Ba Tiếng Súng Lệnh Ở Đài Phát Thanh Huế

Tuệ Chương Hoàng Long Hải

Nguồn

Link http://sachhiem.net/LICHSU/H/HoangLongHai_01.php

09-May-2017

Phần I - Tình cờ lịch sử

Buổi chiều ngày 8 tháng 5 năm 1963, tôi không nhớ rõ giờ, lúc đó trời cũng đã chiều, tôi lấy xe gắn máy chở em gái tôi “đi coi” lễ Phật đản ở chùa Diệu Đế bên Gia Hội rồi vòng lên chùa Từ Đàm. Tôi nói là “đi coi” là vì gia đình tôi tuy theo đạo Phật nhưng ngoại trừ khi còn rất nhỏ, tôi chẳng đi chùa bao giờ. Các anh chị tôi đi chùa thường hơn, nhất là các ngày vía lớn. Bấy giờ, tôi đã có con đầu lòng, vợ tôi đang mang thai đứa thứ hai. Vợ tôi phải ở nhà giữ con, sau khi tôi đưa em gái tôi đi một vòng, tôi sẽ về đưa vợ tôi “đi coi” lễ một vòng như thế.

Khi đi ngang Đài Phát Thanh Huế, tôi thấy đồng bào tụ tập ở đây đông lắm, không biết chuyện gì, tôi về nhà cất xe rồi dắt vợ và em gái ra đài phát thanh xem sao. Nhà tôi ở lúc đó là ngay trước rạp “Ciné Morin” cũ, cách đài phát thanh khoảng ba bốn trăm mét.

Đài Phát Thanh Huế nằm bên chân cầu Trường Tiền, phía hữu ngạn, ngó mặt ra hướng cầu. Bên tay phải là đại lộ Lê Lợi, bên trái là sông Hương. Có một con đường nhỏ, tôi không nhớ tên, chạy trước mặt đài phát thanh, sát chân cầu, rồi vòng ra phía bờ sông, cặp theo đó, lên tới bến Trảng Hề, lại quẹo ra phía đường Lê Lợi.

Mặt trước đài phát thanh là một cái nền “xi-măng” cao, nơi trước đây, khi còn nhỏ, nghỉ hè, tôi thường ngồi nhìn qua cửa kính phòng vi âm, xem Kim Tước, Minh Trang, Hương Thủy, Hà Thanh hát trong đó, cũng tương tự như đi nghe nhạc sống ở phòng trà sau này tại Saigon vậy. Ở đây, nghe “chùa”, khỏi tốn đồng xu nào.

Trước nền ximăng nói trên là một cái sân rất rộng, có bồn hoa, cạnh các bồn hoa là các lối đi dạo trong sân. Sau lưng đài phát thanh là một tòa nhà lầu, trước kia là Nha Ngoại Viện, kế là Vườn Trẻ, Nha Công Chánh Trung Phần…

Tôi dắt vợ và em gái băng ngã vườn trẻ, vòng ra phía bờ sông, đứng sát hàng rào, có hàng cây đoát (cọ tây) già, giữa sông và sân trước đài phát thanh. Bây giờ, đồng bào tập trung đã đông hơn, tràn lên cả đầu cầu Trường Tiền. Trên đài “xi-măng” cao, có người đang bắt loa và micro, chuẩn bị cho ai đó sẽ ra nói chuyện…

Tôi nhớ thời gian ngắn trước đây, nhân dịp lễ ngân khánh “Đức” Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, ngay dốc cầu Trường Tiền, trước mặt đài phát thanh này, có làm một cái cổng chào lớn lắm, treo nhiều cờ đạo Thiên Chúa La Mã trên cổng. Cổng này gây trở ngại cho người đi xe đạp và xe gắn máy khi lên xuống cầu, ngay chính tôi cũng than phiền thầm trong lòng. Có một lần chở Anh HVX., người bạn đồng nghiệp phía sau xe, thấy tôi cực nhọc khi cho xe lên cầu, anh buột miệng chưởi “địt mẹ”, – dĩ nhiên không chưởi tôi mà chưởi người dựng cổng chào -, mặc dù anh ấy là thầy giáo, không mấy khi chưởi tục.

Ở Huế, lâu nay, việc trang hoàng lễ tết ở nhà, chùa, nhà thờ, v.v.. thuộc vào loại “tự do”, thả giàn, muốn làm sao thì làm, chẳng ai can thiệp. Còn như “nhà cầm quyền” mà làm thì coi như quyền hạn tuyệt đối. Nhiều khi đạo kỳ – Phật hay Chúa cũng thế thôi – thì to và mới, còn cờ quốc gia thì nhỏ bé, cũ xì, nằm thu lu một bên cờ đạo, cờ đảng (dĩ nhiên là đảng hay tổ chức ngoại vi đảng của ông Nhu, các đảng khác bị “dẹp tiệm” hết rồi) rất đáng tội nghiệp.

Người ta coi đạo của mình, đảng của mình to hơn, lớn hơn quốc gia. Vả lại, cờ quốc gia đó, gốc gác từ cờ quẻ ly khi ông Bảo Đại còn làm vua, biến thành cờ ba sọc – mà Cộng Sản bôi bác xuyên tạc là “cờ ba que” – “Cờ vàng một lá xỏ ba que” – Không chắc việc tuyên truyền bôi bác của Cộng Sản sẽ không có ảnh hưởng ít nhiều đến người dân Huế, nhất là người Thừa Thiên –

Thời Pháp thuộc tôi không rành nhưng thời ông Bảo Đại làm Quốc Trưởng, Huế được coi là Vùng Quốc Gia nhưng có lẽ người ta chán ông Bảo Đại, chán Phe Quốc Gia nên chẳng mấy ai quan tâm tới việc cờ quạt này, miễn đừng làm Việt Minh thì thôi. Thời “cụ” mới về, người ta bày bàn ra choán cả lề đường, kết hoa, chưng hình “cụ” thì “phe cụ” dại gì biểu dân dẹp vô nhà.

Hồi Đệ Nhất Cộng Hòa, Quốc Hội có bàn việc thay đổi quốc kỳ, quốc ca vì hai cái nầy phát sinh từ thời “Quốc Trưởng hồi loan” mà bây giờ Quốc Trưởng đã bị phe “cụ Ngô” bôi bác thành một tên đàng điếm ăn chơi, người ta tính cho cả “3 Quốc” (Quốc Trưởng, Quốc Kỳ, Quốc Ca) đi chung một bè, đem chôn sống cho xong chuyện. Hiềm nỗi khi việc trình lên “cụ”, “cụ” hỏi: “Rứa mấy người chết vì lá cờ ni, bài hát ni thì răng?” Thế là Quốc Hội im re, cho chìm xuồng vụ thay quốc kỳ quốc ca luôn.

Việc “người ta” làm “Lễ Ngân khánh” cho ông Thục thiệt lớn, dân Huế, nói chung, chẳng ai thắc mắc. Người ta quá quen với việc cái gì thuộc gia đình họ Ngô cũng là “cha thiên hạ” cả.

Hồi xưa thì người ta kính trọng ông “chí sĩ”, ngày nay thì người ta sợ ông “Tổng thống”. Ông “chí sĩ” khác ông “tổng thống” nhiều lắm, có thể nói là trái ngược nhau. Ngay như con đường Nguyễn Trường Tộ, con đường nối từ đường Lê Lợi lên tới nhà thờ Phú Cam, chạy ngang qua nhà “cậu”, con đường này là con đường “cậu” và các ông lớn thường đi, đoạn giữa trường Đồng Khánh và trường Khải Định (Quốc Học), ngày trước cách một khoảng xa mới có một bóng đèn đường tù mù, chẳng soi rõ mặt người, rất thuận lợi cho các em “Ma-ri sến” và lính tráng hẹn hò nhau ở đây. Thế mà giờ thì bóng đèn cao áp thủy ngân sáng trưng, đi trong đêm mà tưởng như đi giữa ban ngày, khiến “người xưa” hết đất dụng võ.

Đám ma cải táng mộ hai cha con ông Ngô Đình Khôi không thua gì đám ma ông vua nào đó của nhà Nguyễn, mà ông Ngô Đình Khôi thì bị người dân Huế cũng như dân Quảng Nam, nơi ông làm tổng đốc, đánh giá là tay đại gian tham và độc ác.

Người Huế cũng khá vô tư, việc làm xấu xa của ông anh tổng đốc không ảnh hưởng gì đến lòng tôn kính của họ đối với ông em chí sĩ, v.v… và v.v…

Ngày trước, nhất là ở đoạn đường Trần Hưng Đạo, Gia Long (sau đổi là Phan Bội Châu) người dân Huế tự động đặt bàn trước nhà, kết hoa chưng đèn mừng “chí sĩ” Ngô Đình Diệm, “thủ tướng” Ngô Đình Diệm về chấp chánh, làm cách mạng cho dân cho nước được nhờ, ai vô ra nhà cụ Ngô thì kính trọng, coi như đó là người làm cách mạng thì ngày nay, họ hờ hững chuyện đi về của “Ngô Tổng Thống”, có thúc ép, dọa cho sợ thì họ mới đi biểu tình, còn không thì thôi. Ai vô ra nhà cụ Ngô bây giờ thì bị họ coi như là những đứa nịnh.

Từ những thói quen như thế, bỗng nhiên có việc cấm treo cờ, khiến ai nấy bỗng đâm ra lạ lẫm, ngạc nhiên. Cái thói quen hàng chục năm nay bỗng nhiên bị đão ngược. Vì vậy, người dân Huế phản ứng là chuyện đương nhiên. Đáng tiếc là những người đang có quyền lực, ngụp lặn trong quyền lực của mình, say sưa với cái mình đang có mà quên mất câu tục ngữ Pháp “Quyền lực là liều thuốc độc”. Sự ngu xuẩn đó làm cho họ không thấy rằng cần dịu dàng hòa nhã, giải thích cho người dân hiểu – và dân hiểu rất mau chóng – là cờ quốc gia cần phải trân trọng hơn nữa vì “Tổ Quốc Trên Hết” thì họ lại sai cảnh sát đi dẹp cờ Phật Giáo.

Có người “Bảo hoàng hơn vua”, có người vì đạo của mình mà kỳ thị đạo của người ta, có người muốn làm mạnh tay để cho dân thêm ghét chính quyền, thành ra có hành vi rất ngang ngược. Họ căn cứ vào luật pháp vừa ra của tổng thống mà thi hành nhưng họ đâu biết rằng trong bất cứ chế độ độc tài nào, luật pháp là do giai cấp thống trị đặt ra, thường là để bảo vệ quyền lợi của giai cấp đó hơn là quyền lợi của dân chúng, của giai cấp bị thống trị mà người Phật Tử lúc bấy giờ hầu hết thuộc giai cấp bị trị.

Ai cũng biết những người trước đây từng theo “cụ”, tận tụy với “cụ” khi “cụ” còn “lê gót” thì nay đều bị “cụ” cho ra rìa vì không chịu “rửa tội”. Ai lạ gì trò “hết chim bẻ ná, hết cá quăng nơm”, muôn đời vẫn thế thôi, dù với “cụ” là một người được dân Huế tôn vinh làm “chí sĩ”.

Việc dân chúng tụ tập trước đài phát thanh mỗi lúc một đông là vì nhiều lý do khác nhau. Có người chuẩn bị nghe đài phát thanh Huế phát lại chương trình buổi lễ hồi sáng hôm đó ở chùa Từ Đàm, nhưng đến giờ phát như đài đã thông báo, lại không thấy gì hết, chỉ nghe đài phát nhạc mà thôi. Vì vậy, họ thắc mắc, hỏi nhau – những người hàng xóm đều cùng theo Phật như nhau -, rồi cùng tới đài phát thanh để xem thử “chuyện chi xảy ra?” Cũng có người như tôi, đi ngang đài phát thanh thấy đông thì tò mò hỏi, rồi về nhà, rủ anh em, chòm xóm ra đài phát thanh coi thử… “chuyện chi”. Càng hỏi, người ta biết đài phát thanh không phát lại chương trình buổi lễ vì sáng nay, Thượng Tọa Trí Quang, trong bài diễn văn, có nói tới việc cấm treo cờ. Do đó, đã tò mò, người ta lại càng tò mò hơn, để coi Thượng Tọa nói chi. Không ai nghĩ đây là một cuộc biểu tình có tổ chức, có chuẩn bị trước.

Chỗ tôi đứng hơi xa cái nền “xi-măng” cao trước đài phát thanh. Lại chếch qua phía bờ sông, có cây leo dọc theo giàn cây quanh cái nền cao nên không thấy rõ toàn bộ khung cảnh trên đó, nhưng phần ở giữa nền vẫn thấy được, tuy không rõ mặt người – xa, đèn không sáng lắm – Sau khi máy vi âm bắt xong, tôi thấy có mấy người đứng, hay đi lại trên ấy, không biết là ai.

Đồng bào tập trung đã đông lắm, tràn ra tới đường Lê Lợi, lấn qua bên kia lề đường, sát vách tường Khách Sạn Morin cũ, nay là Viện Đại Học Huế, dãy lầu trường luật, xe đi lại trên đường Lê Lợi đã khó khăn. Có một anh Phật Tử – đoán thế vì anh này bận áo lam, quần xanh – trèo lên mái hiên đúc của lầu Morin, cầm một lá cờ Phật Giáo khá to, phất qua phất lại. Đồng bào thấy thế, hoan hô ấm ĩ! Bỗng có tiếng Thượng Tọa Trí Quang trên loa, ra lệnh cho anh Phật Tử đó dẹp cờ, leo xuống. Tôi còn nhớ câu nói của Thượng Tọa Trí Quang: “Anh nào ở bên phía Morin đó, cất cờ và xuống ngay, không được làm như thế!”

Người cầm cờ đó thi hành ngay, không chần chờ.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe tiếng nói của Thượng Tọa Trí Quang. Trước đó mấy lần tôi có thoáng thấy ông khi ông ta đến gặp ông hiệu trưởng trường tôi dạy – ông hiệu trưởng này cũng là giám đốc nha Đại diện Giáo dục Trung phần, là “đệ tử ruột” của ông Trí Quang – Mỗi khi gặp nhau, họ kéo nhau lên phòng riêng ở trên lầu, đóng kín cửa, nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai biết họ nói chuyện gì. Thượng Tọa Trí Quang ăn mặc đơn giản, áo nâu sồng, giày “sandalle” hay dép, tôi không nhớ, một mình lái chiếc xe Citroen 2 cheveaux tàng tàng.

Một lúc sau, phía đường Duy Tân, đường thẳng từ cầu Trường Tiền đổ xuống, xuất hiện mấy chiếc xe vòi rồng. Vòi nước xịt lên trời rồi đổ xuống, không xịt thẳng vào dân. Người ta la ó, không dữ lắm. Xe vòi rồng ngưng, không xịt nước nữa, nhưng vẫn đậu tại chỗ.

Trên đài “xi-măng” cao, lại thấy xuất hiện hai người. Một là TT Trí Quang, người kia, sau lời giới thiệu của Thượng Tọa, người ta mới biết đó là nhạc sĩ Ngô Ganh, trước kia là thầy dạy nhạc, dạy hát cho học sinh các trường tiểu học ở Huế, rất nhiều người Huế biết ông, nhất là học sinh, thầy cô giáo. Lúc này, ông Ngô Ganh là Quản Đốc Đài Phát Thanh Huế (sau này tôi được biết thêm, thời gian này, ông là bí thư đảng Cần Lao Tỉnh Đảng Bộ Thừa Thiên – Huế, cũng là người theo đạo Thiên Chúa La Mã).

Ông Ngô Ganh, cũng giống một số người Huế, theo “cụ” Ngô từ lâu – khoảng thập niên 1940 – tính khí hơi giống ông Ông Ích Khiêm, mặc dù một người gốc Chàm, một người gốc Kinh, sống cách nhau gần cả 100 năm. Nhà ông Ngô Ganh ở trên đường Ông Ích Khiêm (?), nuôi hai con chó, một con ông đặt tên là “Nói trạng” (nói dốc) một con đặt tên là “Phách tấu” (phách lối). Hễ khách đến nhà, hai con chó chạy ra sủa, ông gọi tên chó, đuổi nó vào. Nghe ông gọi tên hai con chó, khách thấy ngại, không dám “nói giốc” hay “phách tấu” nữa.

TT Trí Quang cầm micro nói với đồng bào là theo ông Ngô Ganh, việc không phát thanh lại chương trình lễ Phật Đản sáng ngày hôm đó là do lệnh cấp trên. Nay đồng bào yêu cầu được phát thì ông sẵn sàng, nhưng ông không có quyền làm việc đó. Ông phải xin lệnh cấp trên của ông là Ông Tỉnh Trưởng (Nguyễn Văn Đẳng). Chốc lát nữa đây, Ông Tỉnh Trưởng sẽ đến đài phát thanh, giải quyết tại chỗ cho đồng bào.

Nghe thế, đồng bào vỗ tay hoan hô rần rần…

Vừa lúc đó thì một đoàn xe thiết giáp chậm chậm bò vào sân trước đài phát thanh. Thấy xe tới, đồng bào chen nhau bước lên bồn hoa, dành lối cho xe vô.

Đây là loại xe thiết giáp chạy bằng bánh cao su (4 bánh) tương đối nhỏ, tiếng bình dân thường gọi là “xe nồi đồng”, loại xe của Anh từ hồi Đệ Nhất hay đầu Đệ Nhị Thế Chiến, do Mã Lai viện trợ cho Việt Nam, dành cho lực lượng Bảo An (tên gọi hồi đó, sau nầy gọi là Địa Phương Quân), thuộc quyền chỉ huy của tiểu khu trưởng (lúc đó, Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đẳng là dân sự, không kiêm chức Tiểu Khu Trưởng, thuộc quân sự. Chức này đang nằm trong tay Đặng Sĩ, thiếu tá). Các xe này không sơn màu “ôliu” của quân đội mà sơn màu đen. Chiếc dừng ngay trước mặt tôi, bên hông có hàng chữ “Ngô Đình Khôi”.

Trước đây, tôi đã từng thấy các xe nầy đều có viết tên bên hông tên các danh nhân lịch sử như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, v.v… Doanh trại của đơn vị này đóng gần đàn Nam Giao. Dù các ông Nguyễn Trãi, Lê Lợi là các vị anh hùng dân tộc, nhưng thời bấy giờ, Ngô Đình Khôi là một tên quan lại đại gian đại ác, cũng đang được nhà Ngô tô vẽ cho ra vĩ nhân – như tên đường dài nhất, lớn nhất ở Saigon bấy giờ là đại lộ Ngô Đình Khôi chẳng hạn. Vì vậy, xe có tên Ngô Đình Khôi phải là xe của cấp chỉ huy, người đứng trên xe đó là người chỉ huy cuộc đàn áp hôm đó. Người đó, sau nầy tôi mới biết là thiếu tá Đặng Sĩ, em Đặng Phong. Đặng Phong là trưởng ty Công An Thừa Thiên – Huế. Cả hai đều là “dân Phú Cam”, là người có đạo Thiên Chúa La Mã. Quân Đội và Công An, hai lực lượng bạo lực quan trọng nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, có nhiệm vụ gọi là “bảo vệ dân chúng”, mà thực ra là bảo vệ chế độ, đều nằm trong tay hai anh em nhà này.

Trên loa, TT Trí Quang thông báo là Ông Tỉnh Trưởng sắp đến, ra lệnh cho các em Gia Đình Phật Tử làm hàng rào danh dự để đón ông. Tức thì, đồng bào giang ra, các em Phật Tử đứng hai bên, dọn thành một đường dài, từ ngoài đường Lê Lợi vào tới bậc cấp thềm đài “ximăng”, chỗ TT Trí Quang và ông Ngô Ganh đang đứng. Ông Tỉnh Trưởng đi vào, các em và đồng bào vỗ tay hoan hô. Ông Tỉnh Trưởng bước lên thềm đài, ông Ngô Ganh và TT Trí Quang ra đón. Trên thềm cao, có tiếng loa gọi đem bàn ra, để Ông Tỉnh Trưởng và TT Trí Quang đứng lên đó cho cao, để đồng bào thấy rõ.

Khi trên đài lục cục khiêng bàn ra xong, TT Trí Quang và Ông Tỉnh Trưởng đã đứng trên đó, chưa kịp nói gì, thì ngay trước mặt tôi, người chỉ huy đứng trên chiếc xe có tên Ngô Đình Khôi, đứng thẳng lên, người và xe đều hướng về phía đài phát thanh, rút súng Colt bắn lên trời ba phát.

Tôi thấy lửa từ nòng súng lóe ra rất rõ ràng. Tiếp theo đó là một tiếng nổ lớn phát ra từ phía đài phát thanh. Xin nhớ là ba phát súng lệnh nổ trước, lựu đạn nổ sau. Ông tỉnh trưởng và TT Trí Quang đang đứng trên bàn cao, liền nhảy xuống chui vào gầm bàn. (Việc chui vào gầm bàn sau này tôi mới nghe nói lại). Thiên hạ chạy tán loạn. Tôi dắt vợ và em gái chạy ngược lại đường cũ, băng qua ngã Vườn Trẻ, về nhà. Về tới nhà xong, dặn vợ và em gái ở trong nhà, không được ra ngoài, tôi lại ra ngõ, ngóng ra ngoài đường, xem tình hình như thế nào.

Đồng bào hoảng hốt chạy ra tứ hướng, xuống hướng Đập Đá (đường Lê Lợi), hướng An Cựu (đường Duy Tân) hướng ga Huế (cũng đường Lê Lợi). Có lẽ có một số hoảng hốt chạy lạc qua cầu Trường Tiền, bên kia sông Hương. Con đường trước mặt nhà tôi, đường Hoàng Hoa Thám, phía đầu đường, chỗ giáp với đường Lê Lợi, lố nhố một số người. Phía đường Lê Lợi, khoảng trước Nha Công chánh, có đông người đang ở đó, có tiếng nhiều người hô “Đả đảo Ngô Đình Diệm”. Đó là lần đầu tiên, tôi nghe đồng bào hô đả đảo “cụ” Ngô.

Cứ lộn xộn như vậy mấy tiếng đồng hồ, lính tráng bây giờ đang án ngữ ngay đầu cầu Trường Tiền, cấm qua lại nên đồng bào không về nhà được.

Khoảng sau 12 giờ đêm, một chiếc xe của Ty Thông Tin – xe  trên mui có loa – từ hướng đài phát thanh chậm chậm đi lên, có tiếng TT Trí Quang từ trên loa phát ra, yêu cầu đồng bào Phật Tử “ai về nhà nấy”. Có nhiều tiếng la lên: “Lính ở đầu cầu, làm sao mà về”.

Xe thông tin đi mất, khoảng nửa giờ sau, xe quay trở lại. TT Trí Quang nói: “Đồng bào đi theo thầy” – (ông tự gọi là thầy, theo phong tục, tiếng đồng bào thường gọi các nhà sư một cách thân mật). “Xe thầy đi trước, đồng bào đi theo sau”. Nhờ đó mà đồng bào bên hữu ngạn về bên tả ngạn, hay ngược lại, ai về nhà nấy, mọi việc bình thường trở lại. Đêm đó, nếu không có TT Trí Quang làm công việc đó, không biết tình thế sẽ như thế nào?!

Khi thấy hơi êm, tôi bước ra xa cổng nhà một chút thì có ông Bàng, một người trước kia từng theo “cụ” Ngô, rất thân cận với “cậu”, nay đã về hưu, nhà đâu lưng với nhà tôi, đứng nói chuyện với tôi. Ông ta than phiền: “Làm chi rứa không biết. Mai mốt đài phát thanh ngoại quốc họ nói um lên, thiệt là kỳ cục”. Tới lúc đó, những người quanh tôi cũng chưa ai biết rõ về việc lựu đạn nổ và có người chết.

Sáng hôm sau – tôi không nhớ vì sao lúc đó chưa tới hè mà tôi không đi dạy, vì nếu đi dạy, thế nào vào trường cũng nghe học sinh nói rất nhiều về chuyện đàn áp đêm qua, học trò là chúa nhiều chuyện – em gái tôi đi phố về nói là có một số thanh thiếu niên, mang băng vàng chéo qua người, viết hàng chữ “Hãy giết chúng tôi”,vừa đi vừa hô khẩu hiệu, từ chợ Đông Ba lên chùa Từ Đàm và ngược lại. Cảnh Sát, Quân Đội chẳng ai đụng tới họ hết. Theo em tôi, tình hình Huế ngày hôm đó rất sôi động, đi đâu cũng nghe bàn tán vụ đàn áp ở đài phát thanh, người bị lựu đạn chết, lời oán trách chế độ.

Lúc đó, không có ai nói tới việc xe “tăng” cán chết người ở sân đài phát thanh. Đêm đó, ở sân đài phát thanh chỉ có xe thiết giáp loại nhỏ, không có xe “tăng”, và việc xe “tăng” cán chết người có lẽ sau nầy người ta thêm thắt vào cho “lâm li” mà thôi. Tuy nhiên, mấy ngày sau, đi ngang đài phát thanh, tôi còn thấy trước sân ngỗn ngang guốc dép, do đồng bào hốt hoảng bỏ lại, chạy chân không cho lẹ…

Chiều hôm đó (ngày 9 tháng 5), người ta báo cho nhau hay có thông báo của chùa Từ Đàm, sáng mai, lúc 10giờ, ngày 10 tháng 5, có biểu tình ở chùa Từ Đàm, về việc đàn áp tối hôm qua.

Tôi và người bạn, anh HVX. rũ nhau “đi coi” cuộc biểu tình đó. TT Trí Quang đứng trên sân khấu điều khiển, đọc diễn văn, đưa ra 5 nguyện vọng, v.v…

Nhìn Thượng Tọa, tôi bỗng nhớ tới hình Hitler mà tôi đã thấy, mặc dù Thượng Tọa không có bộ râu đặc biệt như nhà độc tài Phát Xít, không đưa chân múa tay như Hitler, tôi vẫn thấy có nét gì đó rất khó nói, có thể là một sự khôn ngoan sắc sảo, khéo léo, rất mềm mỏng mà rất cương quyết, một cục đường rất ngọt nhưng lại rất khó nuốt đối với nhà cầm quyền, núp dưới chiếc áo mầu lam quê mùa, nghèo khó. Tôi và người bạn nói với nhau về những nhận xét về ông ta, – Người bạn đó sau nầy vào ngồi ở phủ đầu rồng, là linh hồn của đảng Dân Chủ – và anh ấy cùng đồng ý với tôi là tiếng nói của TT Trí Quang có vẽ như là một nhà cách mạng hơn là nhà tu hành và ông ta phải là một “tay” chiến lược.

Dù sao, tình hình lúc đó cũng chưa có gì gọi là căng, 5 nguyện vọng đưa ra không có gì quá đáng. Phải chi chính quyền sáng suốt, thực tâm giải quyết ngay lúc đó thì hay biết bao nhiêu.

Chỉ chừng đó thôi, cũng có thể coi như ông Ngô Đình Diệm đáp lại ân tình của người dân Huế đã nặng lòng với ông từ hàng chục năm nay, từ khi ông rủ áo từ quan, đâu thành chuyện lấy oán báo ân như sau nầy. Thành ra giữa nhà chí sĩ và những người từng ủng hộ ông chỉ còn hận thù mà thôi. Điều đó, đáng trách là ở ông Diệm, chính ông phản bội tấm lòng của người Huế đối với ông vậy.

Sau này có một số sách báo, cũng như thông báo của chính quyền nói rằng đêm đó Việt Cộng lợi dụng cơ hội đồng bào tụ tập, ném lựu đạn làm chết người. Dĩ nhiên tôi không tin.

Cách giải thích như thế khác chi “đổ dầu vào lửa”. Nhà cầm quyền nói lựu đạn nổ hôm đó là loại MK-3, loại tấn công, Việt Cộng mới có, quân đội VN lúc này không có thứ đó. Điều đó trẻ con và buồn cười. Người lính trên xe thiết giáp hôm đó có thể không có MK-3, nhưng người nhận lệnh từ ông Ngô Đình Thục, hay Ngô Đình Cẩn, hay từ một cơ quan nào đó dưới tay hai ông này, không thể không có MK-3. Những tổ chức đặc vụ, tình báo, ám sát, thủ tiêu thì có đủ loại vũ khí họ muốn.

Như tôi đã nói (hàng chữ đậm, nghiêng và có gạch ở dưới), là ba phát súng lệnh nổ trước, lựu đạn nổ sau, điều đó có nghĩa là sau khi nghe súng lệnh, người quăng lựu đạn mới làm nhiệm vụ đã được giao. Nếu Việt Cộng (như thông báo của chính quyền) hay một đại úy Mỹ nào đó, nói như trong sách của Cao Thế Dung (“Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống”) thì sao lại có sự ngẫu nhiên, trùng hợp nhịp nhàng đến độ vừa có súng lệnh của Đặng Sĩ thì bên kia lợi dụng tức thì cơ hội để ném lựu đạn?

Vả lại, Mỹ hay Việt Cộng ném lựu đạn thì không cần súng lệnh. Vậy Đặng Sĩ bắn 3 phát súng lệnh để làm gì? Lệnh cho ai? Mấu chốt vấn đề ở đây là súng lệnh và lựu đạn nổ, cái nào trước, cái nào sau. Rõ ràng hôm đó, tôi thấy người chỉ huy trên chiếc xe thiết giáp mang tên Ngô Đình Khôi bắn ba phát súng lệnh trước, lựu đạn nổ sau.

Tiếng lựu đạn nổ khá lớn. Thiên hạ, có tôi trong đó mới bỏ chạy. Ai cũng chạy vì tiếng lựu đạn nổ lớn làm cho hoảng hồn, chứ không chạy vì ba phát súng lệnh.Nếu lựu đạn nổ trước thì tôi đã hoảng hồn chạy trước, đâu còn đứng lại đó để thấy lửa từ nòng súng lệnh phụt ra. Tôi nhớ rõ hình ảnh nầy bởi vì ánh lửa đỏ trong đêm đen bao giờ cũng là hình ảnh rất dễ gây ấn tượng cho người nhìn thấy nó.

Thêm vào đó, súng lệnh của Đặng Sĩ có ý nghĩa gì? Chắc chắn lệnh đó là lệnh đàn áp, lệnh tấn công. Đàn áp ai, tấn công ai?

Và ai là người đàn áp? Không lý hôm đó Đặng Sĩ thấy tên Việt Cộng hay tên đại úy Mỹ ném lựu đạn mà ra lệnh tấn công chúng để bảo vệ dân? Hỏi như thế là có câu trả lời rồi.

Thêm một điều nữa, như tôi đã nói, cuộc biểu tình hôm đó là tự phát, không chuẩn bị hay có thông báo trước, nên phía Việt Cộng hay Mỹ không thể chuẩn bị trước để quăng lựu đạn. Khi đồng bào tụ tập đông đảo, phía chính quyền muốn đàn áp thì cứ vạch kế hoạch rồi dàn cảnh ra như thế. Phát súng lệnh là lệnh chung cho cả hai phía: Phía binh lính trên xe thiết giáp và phía một (hay hai, ba người) được lệnh ném lựu đạn vào dân.

Người nào ra lệnh đàn áp?

Dĩ nhiên là chính quyền, nhưng chính quyền lúc đó nằm trong tay ai? Đại biểu chính phủ Hồ Đắc Khương? Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đẳng, Tiểu khu trưởng Đặng Sĩ hay Cố Vấn Chỉ Đạo Ngô Đình Cẩn?

Không!

Tôi khẳng định như thế!

Có lẽ Hồ Đắc Khương, Nguyễn Văn Đẳng chẳng biết mô tê gì! Đặng Sĩ là người nhận lệnh và chỉ huy trực tiếp cuộc đàn áp. Ngô Đình Cẩn thì đã bị “cướp chính quyền”.

Từ khi Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục rời Vĩnh Long về “làm vua” ở Huế (địa phận Huế) thì ông ta giành mất quyền hành trước đây của ông em. Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo (trước nhà thờ Phú Cam) bị đóng cửa. Các ông Tỉnh, ông Quận, Tướng Tá thay vì ra vào “chầu” ở nhà “cậu” như trước kia thì nay thậm thụt ở tòa Tổng Giám Mục. Giữa anh em Thục – Cẩn nay đã có sự tranh giành, ganh ghét nhau, điều mà ông Ngô Đình Diệm nói với ông Võ Như Nguyện là “Bì oa trữ nhục”, không có gì hàn gắn lại được. Ông Nguyện là con cụ cử Võ Bá Hạp, đồng chí của cụ Phan Bội Châu. Ông Nguyện là “đại công thần”, theo “cụ” Ngô hồi đầu thập niên 1940, sau này cũng bị ra rìa.

Nói thế là rõ Đặng Sĩ nhận lệnh từ AI rồi!

Sau vụ Ba Lòng, vụ Bình Xuyên, Ba Cụt; vì việc đàn áp đảng phái, tôn giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm đã mất chính nghĩa. Chính sách độc tài đảng trị được đem ra áp dụng rất mất lòng dân. Tôi chỉ nói hai sự việc mà tôi thấy tận mắt.

● Mùa hè năm 1957, tôi về cửa Việt chơi, khi đạp xe đạp ngang qua làng Tường Vân, gần cửa Việt, tôi thấy một ông già ngồi kế hàng rào ngoài ngõ, mân mê mấy bát hương (nhang) mà khóc. Hỏi, mới biết chuyện như thế này:

Ông già bị “tội” có 3 người con trai tập kết ngoài Bắc. Do đó, ông thường bị Chi Công An Quận Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị gọi lên điều tra, giam giữ đôi ba ngày. Lâu lâu, Công An lại gọi điều tra, giam giữ như thế. Ông linh mục ở làng Du Lý, cách làng Tường Vân không xa, cho người đến khuyên ông, hễ “rửa tội” đi, cha sẽ “giúp đỡ”, công an không làm khó dễ nữa. Ông già không chịu. “Tui khôông bỏ ôông bà được”. Thế là Công An lại bắt. Cha xứ lại khuyến dụ, “giúp đỡ”. Ai ai cũng nghĩ rằng giữa Công An và ông cha đạo hợp đồng chơi trò “xa luân chiến”. Cuối cùng ông già chịu thua, theo đạo, bưng bát nhang ông bà bỏ ra ngoài hàng rào, rước tượng chúa, tượng mẹ đặt lên bàn thờ. Tháng vài lần, ức tình, ông uống rượu, ra ngồi bên hàng rào ôm bát nhang ông bà mà khóc, mượn rượu mà chưởi chính quyền, chưởi ông cha đạo. Công An lại bắt, ông lại làm tờ cam kết, ông cha đạo lại “giúp đỡ”, ông lại được tha về. Tôi đoán là sau này, khi Việt Cộng mạnh lên, chiếm vùng này, chắc chắn ông ta là người hoan hô Cộng Sản mạnh mẽ hơn ai hết.

Ai nói là Cộng Sản không “giải phóng” cho dân? Vậy đó, chung ra thì chính quyền và ông cha đạo đã xúi dân theo Việt Cộng.

● Cũng khoảng năm 1957, 58, có bầu cử quốc hội, ở thị xã Quảng Trị có hai người ra ứng cử. Một là ông Hồ Duy Tình, theo đạo Thiên Chúa La Mã, người làng Hội Yên, phủ Hải Lăng. Hải Lăng là phủ, nơi trước kia ông Diệm từng làm tri phủ. Chỗ quen biết của “cụ” hồi xưa, nên năm 1954, khi cụ mới về làm thủ tướng, lần đầu tiên về thăm Quảng Trị, “cụ” đã gắn cho ông Hồ Duy Tình “Bảo Quốc huân chương đệ tam đẳng”. Ông ta làm cái gì mà được thưởng Bảo Quốc Huân Chương? Ở thị xã Quảng Trị hồi đầu thập niên 1950, ai không biết ông ta làm nghề “xanh xít đít đui”. Làm nghề cho vay cắt cổ mà cũng được huân chương? Hề thiệt là hề!!! Thế cũng “tạm được” đi. Sau đó, ông Hồ Duy Tình làm dân biểu theo cung cách đầu phiếu như tôi sẽ kể sau đây.

Năm đó, ông Hồ Duy Tình ra ứng cử lần 2, uy tín của ông xuống lắm vì trình độ ông đã thấp (hương sư – tức là thầy giáo làng), vào nghị trường không thấy nói năng gì cho ra lẽ, phim thời sự của Bộ Thông Tin thì chiếu hình ông đang “de” lúa. Người tranh cử với ông là bà Lê Thị Ngộ, vợ ông ông Tôn Thất Dương Thanh, Trưởng Ty Tiểu Học Vụ. Nhờ uy tín của chồng, nhờ là một Phật Tử thuần thành (rất chăm đi chùa Tỉnh Hội) bà có thể đắc cử dễ dàng.

Tôi được gọi làm thư ký viết biên bản kiểm phiếu vì có chút chữ nghĩa. Hễ người kiểm phiếu đọc tên ai (Hồ Duy Tình hay Lê Thị Ngộ) thì gạch một gạch vào biên bản, lên ô có dấu chấm in sẵn. Người cùng làm thư ký như tôi là ông Hoành, thượng sĩ giải ngũ, (Sau này là bố vợ Trung Tá Lê Đức Khế). Ông Tống Viết Lệ ngồi kiểm phiếu. (Dân chúng thường gọi ông là thầy Lệ, tín đồ đạo Thiên Chúa La Mã, nguyên là y tá bệnh viện Quảng Trị trước 1945, cũng đang làm nghề “xanh xít đít đui” như ông Hội Tình. Thầy Lệ lúc đó là “xếp xòng” “Tập Đoàn Công Dân” ở phường tôi, phường Đệ Tứ, thị xã Quảng Trị).

Thầy Lệ mở phong bì bầu phiếu, lôi phiếu ra, hễ phiếu ai thì ông đọc tên người đó.

Chỉ được một lúc, một số người làm việc ở phòng phiếu, dĩ nhiên là phe “Tập Đoàn Công Dân” của thầy Lệ, kêu to: “Nóng quá, trong này nóng quá. Ra sân một chút cho mát”. Rồi tất cả kéo nhau ra sân. Cháo gà nấu sẵn bưng tới “giải lao”. Họ ăn uống vui vẻ chuyện trò với nhau.

Trong phòng chỉ còn lại ba người, hai người thư ký là ông Hoành và tôi cắm cúi gạch cho đúng, sợ trật. Còn thầy Lệ, ngồi đối diện với chúng tôi, phiếu Lê Thị Ngộ hay phiếu Hồ Duy Tình, ông đều đọc là Hồ Duy Tình hết. Sợ chúng tôi thấy ông làm việc gian dối, thỉnh thoảng ông nhắc thư ký: “Rán gạch cho trúng để cuối cùng hai biên bản khớp nhau.” Thế là tôi ráng nghe ông đọc mà viết. Dĩ nhiên, ông Hồ Duy Tình đắc cử là chắc trăm phần trăm.

Phiếu bầu, gom lại đem đốt, chỉ giữ 2 cọc phong bì, một bầu cho Lê Thị Ngộ và một cho Hồ Duy Tình. Phong bì có ghi số thứ tự giống như số thứ tự trên danh sách cử tri, nhìn số thứ tự đó, Công An biết ai bỏ phiếu cho ai, vào sổ đen, “trị” dễ như không!!!

Cũng khoảng sau thời gian đó không lâu, một buổi sáng tôi đang trên đường đi dạy, vừa tới đầu cầu An Cựu thì bị Cảnh Sát cấm không cho bất cứ ai qua cầu. Xe tổng thống sắp tới. Tôi dừng lại bên đường như mọi người nhưng cũng không được phép, phải vào đứng lui vô trong sân nhà người ta, xa đường cái, Cảnh Sát mới chịu. Nửa giờ sau, xe tổng thống qua, tôi và mọi người mới được cho đi. -“Cụ” Diệm ơi là “cụ” Diệm, tôi cất công đi đón cụ về, hoan hô “cụ” đến khản cả tiếng, nay vì “cụ” mà tôi tới trường trễ, hiệu trưởng không rầy thì ít ra cũng không bằng lòng việc tôi đi trễ hôm đó. Không có thầy, học trò nghịch ầm ầm, ai thông cảm cho tôi”.

Tôi nhớ tới một đoản văn của Hiếu Chân vừa viết trên mục “Nói Hay Đừng” của nhật báo “Tự Do” kể chuyện đi dự hội nghị văn bút quốc tế ở Brasilia, thủ đô mới của Brasil, có gặp ông Tổng Thống Quatros của nước này. Ông ta mặc một bộ đồ kaki màu xanh công nhân, đi chiếc xe Jeep tàng tàng tới thăm công nhân đang xây dinh tổng thống, bình thường như một người dân.

Nước ta còn lâu lắm, rất lâu mới có dân chủ, dù ở bất cứ ở chế độ nào

Thời gian tiếp theo sau đó là những cuộc đàn áp Phật Giáo đồ càng ngày càng khốc liệt. Tôi chẳng tham gia bất cứ cuộc đấu tranh nào.

Đêm 20 tháng 8, đêm tấn công chùa Từ Đàm, tôi và một người bạn đồng nghiệp, anh Nguyễn Văn Đáo, ngủ lại nhà một người bà con của anh ấy ở Ga Huế.

Khi cuộc tấn công chùa Từ Đàm bắt đầu, tôi và người bạn đứng trên mui một toa xe lửa, ngóng về hướng chùa, nghe tiếng súng nổ, tiếng mõ, tiếng thùng thiếc đánh, tiếng cầu cứu, tiếng la thất thanh mà thấy kinh hoàng.

Ông Ngô Đình Diệm, người mà dân Huế tôn vinh là “chí sĩ”, là “nhà Cách Mạng”, được hy vọng là vị cứu tinh của dân tộc, từ những ngày đầu khi ông mới về nước, người dân Huế lập bàn, kết hoa, chưng đèn, đốt trầm hương đón ông như đón một vị “Cha già của dân tộc”, một “Quốc phụ” như Tôn Văn của Trung Hoa thì nay ông Ngô Đình Diệm đối xử với người dân Huế như thế đấy, sau khi đã tròng lên đầu dân tộc chế độ độc tài, kỳ thị tôn giáo tàn tệ nhất trong lịch sử dân tộc.

Ai phản bội ai? Người dân Huế không tự tay giết ông Diệm nhưng nếu có cơ hội, không chắc họ có đủ can đảm làm được việc đó, đối với một người họ đã từng yêu mến, kính trọng, nhưng hậu quả ông nhận sau ngày 1 tháng 11 năm đó há không phải là cái quả do những việc anh em ông cũng như đệ tử ông đã gây ra cho đồng bào Huế hay sao?!

Xin hãy để cho ông Ngô Đình Diệm nằm yên dưới đáy mồ để ông suy nghiệm những gì ông đã làm cho dân Huế, những người dân vô tư, không mưu cầu lợi danh riêng cho họ, đã tích cực ủng hộ ông từ những ngày đầu ông mới từ chức thượng thư.

Phần thứ II – Không muốn nói, mà cũng phải nói!

Trở lại việc ông Liên Thành, “hô hoán” lên rằng, những người đấu tranh ở Huế, trong đó có cả ông Trí Quang và một vài thầy ở chùa Từ Đàm là Cộng Sản. Nghe có được hay không? Hay đây cũng là một trường hợp “Hàm huyết phún nhơn”?

Như tôi viết trong bài “Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự”, truyền thống Huế là truyền thống đấu tranh! Tại sao Huế có truyền thống đó?

Xin nhìn lui lịch sử Huế xa hơn một chút, từ việc ông Trần Thúc Nhẫn, Lâm Hoành nhảy xuống biển tuẩn tiết vì không giữ được Thuận An mãi đến tận năm 1945, sau khi vua Bảo Đại thoái vị.

Cảnh nước mất nhà tan không đâu rõ bằng Huế, chết chóc đau thương, tiêu điều, tang thương không đâu bằng Huế. Nước mất rồi, vua bị đày rồi, việc ấy không những “khô héo lá gan” cho bà mẹ các vua, vợ vua mà hầu như toàn thể dân chúng kinh đô nhà Nguyễn nữa đấy. Từ trước đến nay, không nơi nào có mồ chôn tập thể đông như ở Huế, nhiều như ở Huế. Vậy Huế mới có tên đường là “Đường Âm Hồn” chứ!

Cũng từ những đau đớn ấy, uất ức, hận mất nước, nhà tan ấy mà các vua nhà Nguyễn, các quan nhà Nguyễn, dân Huế liên tục đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lăng nước ta, liên tục từ trước khi “Thất thủ kinh đô” cho đến lúc thực dân Pháp tái chiếm Huế sau Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 năm 1946, toàn dân kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946.

Một trong những người đấu tranh đó có “ông vua không ngai Cường Để”, nội tổ ông Liên Thành. Điều đáng buồn là ông Liên Thành không thấy được khí phách anh hùng của nội tổ ông để làm những gì cho xứng đáng với giòng máu anh hùng của tiên tổ.

Trong lịch sử, Tầu cũng như ta, thường có cảnh “đầu rồng đuôi chuột”. Nói rõ hơn, ông Lê Lợi là bậc anh hùng cái thế, nhưng các vua cuối đời nhà Lê như vua Tương Dực, vua Uy Mục, thì sử gọi là những ông vua quỉ (Quỉ vương), vua có tướng heo.

Bố ông Liên Thành, cụ Tráng Cử, tuy không giỏi giang gì, cũng chỉ là một người tầm thường, làm thư ký ở trường Quốc Học, sau nhờ ông Ngyễn Văn H., giám đốc Học Chánh, có vợ là con gái cụ Ưng Th., cũng hoàng phái nên chiếu cố cho ông Tráng Cử, từ chức thư ký ở trường Khải Định, (tên cũ) qua làm hiệu trưởng trường Sư phạm Cấp tốc, đóng chung tại trường tiểu học Trần Quốc Toản, phía trong cửa Thượng Tứ, thành nội Huế.

Ông Liên Thành thi hỏng tú tài 1, nên thay vì ông được học sĩ quan trừ bị Thủ Đức thì ông đi “sĩ quan Bảo An”. (1)

Năm 1966, Liên Thành phục vụ tại chi khu Nam Hòa. Sau năm 1963, khi chế độ nhà Ngô không còn, trong một buổi họp của đảng Đại Việt tại nhà ông Tráng Cử, (nhà trên đường đi lên chùa Linh Mụ, qua khỏi cầu Bạch Hổ một đoạn ngắn, bên phía bờ sông, nhà nầy trước đó là gia đình ông Đoàn Mộng Ngô, giáo sư trường Bán Công Huế ở). Các vị đang bàn nhau về việc đưa người vào nắm chính quyền. Trưởng ty Cảnh Sát (Cảnh sát Công an gom chung; Công an gọi là Cảnh sát Đặc biệt, tức mật vụ) đã có ông Đoàn Công Lập (Đại Việt) làm trưởng ty, phó ty cảnh sát thì có ông Hà Nguyên Chi, cũng đảng viên Đại Việt. Bây giờ, họ đang cố tìm cho ra một ông có khả năng làm phó ty, phụ trách Cảnh sát Đặc biệt nhưng chưa thấy có ai.

Đang khi bàn bạc như thế thì Liên Thành đi vào nhà, tay dắt xe đạp. Thấy ông Liên Thành, các vị bèn bàn với nhau hay để Liên Thành làm phó ty đặc biệt cũng được vậy, tìm ai đâu cho xa. Ông Liên Thành đang mang loon thiếu úy. Bấy giờ là lúc nhà Ngô đã sụp đổ, thế lực các đảng phái rất mạnh, nhất là đất Trị Thiên coi như “lãnh thổ Đại Việt” nên việc Liên Thành đi phó ty không có khó khăn gì cả.

Người Huế, nói chung, cho tới lúc ông Liên Thành lên làm trưởng ty, cũng không thấy ai khen chê gì, trừ một việc mà chính ông Liên Thành cũng không biết. (2)

Điều đáng nói là ông Liên Thành không hiểu gì truyền thống đấu tranh của dân Huế cả. Truyền thống đó đã xô đẩy người Huế, gia đình của họ phải nhiều ly tán, mâu thuẫn và chống đối lẫn nhau.

Có nhiều người Huế theo kháng chiến chống Pháp, nhưng vì những lý do nào đó, riêng tư hay vì thấy rõ mặt thật của Cộng Sản, hay vì “biên chế” sau đại hội đảng Lao Động (Cộng Sản trá hình) năm 1951, bỏ kháng chiến mà về. Có người theo kháng chiến luôn sau trở thành Dziệt Cộng. Có người đang đi học, ủng hộ, hoạt động cho Việt Minh, nhưng rồi bỏ việc ấy, theo Quốc gia, đi lính Quốc gia, chống Cộng, v.v… lên tới tướng, tá quân đội VNCH. Cũng không ít người vì tinh thần dân tộc, chống Pháp, không ưa Bảo Đại bù nhìn, định kiến với “phe Quốc gia”, ghét Mỹ, sinh ra thiên tả, từ thiên tả ra thiên Cộng, theo Cộng, v.v… và v.v…

Tâm lý quần chúng, có lẽ không ở đâu phức tạp như ở Huế.

Học với nhau chung một lớp, một trường, một khoa (đại học), mượn bài, mượn sách, vui chơi chuyện trò với nhau nhưng sau đó lại “xuống đường”, chống nhau, đả kích nhau, bôi lọ nhau, thậm chí, đánh nhau, giết nhau rất “tận tình”. Vì đảng của mình, vì đạo của mình, vì tham lam, háo danh, háo sắc, hám tiền… “bọn chúng” bôi mặt nhau không chút ngại ngùng, lương tâm.

Số người vì tinh thần dân tộc độc lập, vì tinh thần tôn giáo bị đàn áp, vì quyền lợi, vì háo danh, háo chức phận… thiên tả, thiên Cộng, kinh tài cho Việt Cộng hay “Cộng Sản chính cống” không ít ở Huế. Những thành phần nầy núp bóng – tôi nói là núp bóng – nhà thờ, chùa, đông nhứt là bóng chùa Từ Đàm, chui vô cái gọi là “hội đồng nhân dân cứu quốc”, hàng ngũ công chức, giáo chức (dễ chui vô hơn hết), kể cả quân đội, vô hội đồng tỉnh, vô hội đồng thị xã, hội đồng xã, đông vô số kể… Tôi có thể kể “một đống” tên của họ. Ông Liên Thành, nếu làm việc giỏi, huơ tay một cái là nắm được “một đống” Dziệt Cộng, thiên Cộng hay thiên tả, kinh tài Dziệt Cộng cho đi ở tù, đâu chỉ riêng một mình Hoàng Kim Loan như ông khoe khoang. Thật ra, Liên Thành có biết đấy, biết nhiều tên Cộng Sản nằm vùng đấy, kinh tài đấy, những tên thiên Cộng, thiên tả đấy, nhưng ông không đụng đến chúng vì những lý do khác nhau, rất riêng tư, rất khó nói.

Bỗng nhiên, bây giờ, ở hải ngoại, Liên Thành viết sách tố giác ông Trí Quang là Dziệt Công mà không trưng được bằng chứng nào xác thực cả.

Ông Trí Quang là một khối bí mật. Không biết rõ, biết chắc thì không nên nói. Dù vậy, ở Huế, những người từng tiếp xúc với ông, những người dân thường, phần đông là Phật tử, không ai nói ông là Dziệt Cộng cả. Vì sao? Quí độc giả có thể đọc bài “Con người thật của hòa thượng Trí Quang” của ông Đào Văn Bình để biết một phần về ông. (3)

Người ta gọi ông Trí Quang là Dziệt Cộng nhưng không có bằng chứng! Dễ hiểu vậy thôi. Ông Trí Quang từng bị tù một lần, thời Tây mới tái chiếm Huế, trước khi ông Ngô Đình Diệm chấp chánh. Một nhân vật cao cấp trong ngành Cảnh Sát, từng làm phụ tá cho Tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia ở Saigon, trước năm 1960 là “Trưởng phòng Tình báo Tổng quát” của nha Cảnh Sát Công An Trung nguyên Trung phần, hiện định cư ở Texas, nói cho tôi biết rằng: “Không thấy có hồ sơ nào chứng tỏ ông Trí Quang là Dziệt Cộng. Hồ sơ ở ty Mật Thám Tây, lưu trữ cho tới thời Đệ nhứt, Đệ nhị Cộng Hòa, không có cái nào nói ông Trí Quang hoạt động cho Cộng Sản hay chính ông ta là Cộng Sản.”

Vì việc thờ phượng ông bà họ Ngô Đình được gởi ở chùa Từ Đàm nên sự quan hệ giữa ông Ngô Đình Cẩn và thượng tọa Trí Quang khá thân thiết, dù sau đó, khi ông Ngô Đình Thục về Huế, ông Ngô Đình Cẩn “bị tước hết quyền hành” thì sự quan hệ giữa hai ông nầy vẫn thế!

Cho nên khi nói ông Trí Quang là Cộng Sản, ông Liên Thành không trưng được bằng chứng nào cả, ngoài một bằng chứng rất “ấu trỉ.”

Liên Thành viết rằng năm 1947, ông Trí Quang làm lễ tuyên thệ vào đảng ở một ngôi chùa nào đó, phía Tây Huế, do Tố Hữu chủ tọa.

Nói như thế có rất nhiều cái sai.

Cái sai thứ nhứt là:

1)- Lễ tuyên thệ được tổ chức ở một ngôi chùa. Nếu Cộng Sản muốn, chùa nào mà chống lại đươc. Nhưng việc tuyên thệ vào đảng là việc bí mật, chỉ cần có một lá cờ búa liềm, to nhỏ cũng được. Mộtngười giới thiệu đảng viên mới, tức là “đối tượng đảng” nay tuyên thệ vào đảng, một người chủ tọa, mộtngười tuyên thệ, tất cả chỉ có 3 người, thế là xong.

Đang hoạt động bí mật, sợ “địch” biết nên càng nhanh gọn, đơn giản, càng bí mật càng tốt, càng hay. Cách sinh hoạt như thế nầy chính là cách mà người ta từng đặt vấn đề về ông Lê Đức Anh. Ông ta vào đảng khi nào, tuyên thệ ở đâu, ai giới thiệu, ai chủ tọa? Đó là mối bòng bong, tối mò mò! Lê Đức Anh muốn chứng minh cũng dễ thôi. Thời kỳ hoạt động bí mật, ít ai biết ai, thì Lê Đức Anh khai ra những “đồng chí” nào đó, chết mất đất từ hồi nào, ai kiểm chứng được?

Nếu hiểu theo cách bình thường thì trước khi vào đảng, ông Trí Quang phải là “đối tượng đảng” (tức là đối tượng chuẩn bị thành đảng viên). Trước khi thành “đối tượng đảng” thì ông Trí Quang phải là đoàn viên hay thành viên một tổ chức nào đó, một tổ chức ngoại vi của đảng, như đoàn Thanh niên Cộng sản hay nông hội, công đoàn, công hội gì gì đó.

Không là đoàn viên Thanh niên (lúc ấy, 1947, ông Trí Quang cũng còn trẻ), không là “đối tượng đảng” mà ông Trí Quang được Tố Hữu chủ tọa lễ tuyên thệ gia nhập đảng thì ông Trí Quang phải được “đặc cách”, phải là một nhân vật gì đó, ghê gớm lắm. Không biết ông Liên Thành có biết việc ông Trí Quang được “đặc cách” như thế nào không?

2)- Thứ hai là việc ông Tố Hữu chủ tọa buổi lễ tuyên thệ của ông Trí Quang.

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920. Năm 1945, ông làm bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên (mới có 25 tuổi). Ông là người lãnh đạo việc cướp chính quyền ở Huế hồi tháng 8 năm 1945. Lúc ấy, ông Nguyễn Chí Thanh, là bí thư kỳ bộ Trung Kỳ.

Thật ra, người đứng đằng sau, “chỉ đạo” cho Tố Hữu là ông Tôn Quang Phiệt, là người khôn ngoan, già dặn, là bậc thầy của Tố Hữu. Tôn Quang Phiệt lúc ấy là giáo sư trường Khải Định Huế, hiệu trưởng trường Thuận Hóa ở Huế. Mưu lược, kế hoạch là do từ Tôn Quang Phiệt mà ra. Tôn Quang Phiệt cũng là người đạo diễn cho Phạm Khắc Hòe trong việc thúc đẩy, hù dọa để vua Bảo Đại sợ mà phải thoái vị.

Sau khi cướp chính quyền, năm 1946, Tố Hữu rời Huế, ra Hà Nội làm việc với Hồ Chí Minh. Khi chiến tranh bùng nổ, Tố Hữu cùng lên Việt Bắc cùng với chính phủ của ông Hồ.

Năm 1947, lúc ấy Tố Hữu đang ở chiến khu Việt Bắc, từ ngoài đó mà lặn lội về Huế chủ tọa buổi lễ tuyên thệ cho ông Trí Quang vô đảng thì việc ấy phải là cực kỳ quan trọng! Việc ấy, không ai tin có thể có được, không thể nào có được, chỉ là một chuyện bịa thiếu kiến thức, ấu trỉ.

3)- Thực ra, nói không cần phải sợ mất lòng, năm 1947, vai trò của ông Trí Quang trong giới tu hành và Phật tử ở Huế chẳng là cái gì cả. Ông ta chỉ là một đại đức như ông Thiện Minh, Nhất Hạnh. Tố Hữu không cần phải cất công đi xa và nguy hiểm để chủ tọa lễ tuyên thệ vô đảng cho ông Trí Quang.

Vậy thì ông Trí Quang nổi tiếng khi nào?

Trong đại hội thống nhứt Phật giáo Việt Nam năm 1951.

Độc giả có nghe câu hát Phật giáo Việt Nam thống nhứt Bắc Nam Trung từ đây…” “Từ đây!” là năm 1951, qua đại hội Phật giáo ba miền như trong câu hát ở trên của nhạc sĩ Lê Cao Phan. Đại hội nầy được khởi xướng từ Huế, trưởng ban vận động là ông Trí Thủ, phụ tá là các thầy còn trẻ. Các thầy trẻ có tinh thần, có khả năng, có trình độ kiến thức, nắm bắt được tình hình dân chúng nước ta thời bấy giờ nên đã thay mặt “các sư già” mà vận động, kêu gọi, khuyến khích, đưa đại hội tới thành công.

Thêm một điều nữa. Sau khi hồi cư (1947, 48, 49) người dân Huế tham gia sinh hoạt Phật giáo rất tích cực, đặc biệt là việc hình thành các gia đình Phật tử. Uy tín các ông Trí Quang, Thiện Minh, Nhất Hạnh lên cao là qua đại hội thống nhứt như nói ở trên và qua phong trào gia đình Phạt tử nầy. Ông Phan Cảnh Tuân, ông Lê Cao Phan, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, nhạc sĩ Lê Lừng,… là các huynh trưởng tích cực và được nhiều người kính trọng, yêu mến là từ trong phong trào nầy.

Tình hình như thế thì làm gì có việc Tố Hữu từ Việt Bắc về Huế chủ tọa lễ tuyên thệ vào đảng của ông Trí Quang. Đó chỉ là sự tưởng tượng của một anh học trò chưa đậu tú tài 1, không thể là nhận định một ông sĩ quan cấp tá. Đem một người chỉ mới có uy tín từ năm 1951 mà đặt vào một hoàn cảnh năm 1947, trước thời kỳ đó 4 năm, khi người ấy chưa có uy tín gì cả là một việc làm ấu trỉ, chưa biết suy luận, non nớt. Trình độ của một sĩ quan cấp tá Quân đội Việt nam Công hòa có thể tệ đến như vậy sao!!!

Cũng nhân đây, tôi muốn bày tỏ một vài ý kiến với Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng.

Trong bài “Một nhân chứng bất đắc dĩ”, tôi thuật lại việc tôi thấy tận mắt như đã viết ở phần trên.

Bài của Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết như sau:

“… Tôi đã nhiều lần gặp Cựu Thiếu Tá Đặng Sỹ tại Hoa Kỳ và đã nghe ông kể lại: Mùa Lễ Phật Đản vào tháng 5/1963, khi Thượng Tọa Thích Trí Quang hô hào Phật tử đến bao vây Đài Phát Thanh Huế phản đối Ban Giám Đốc Đài không cho phát thanh cuốn băng thu lại lời của Thượng Tọa Thích Trí Quang phát biểu tại chùa Từ Đàm…

Lúc đó, Thiếu Tá Đặng Sỹ đang có mặt tại sân Toà Hành Chánh tỉnh Thừa Thiên trước sự hiện diện của hai ông Nguyễn Văn Đẳng (Tỉnh Trưởng Thừa Thiên) và ông Hồ Đắc Khương (Đại Biểu CP tại Trung Nguyên Trung Phần). Ông Nguyễn Văn Đẳng đã nói với Thiếu Tá Đặng Sỹ: “Tôi ra lệnh cho anh phải đem lính đến dẹp ngay bọn người đang làm loạn tại Đài Phát Thanh Huế”. Ông Đặng Sỹ trả lời: “Tôi là quân nhân, tôi phải trình việc nầy với Cấp Chỉ Huy của tôi để xin chỉ thị”. Lúc đó, ông Hồ Đắc Khương liền nói: “Nhân danh Đại Biểu Chính Phủ, tôi ra lệnh cho anh…” Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Đẳng nói: “Cho tôi gặp ông Ngô Đình Thục”. Thiếu Tá Đặng Sỹ trả lời: “Bây giờ là ban đêm, phải đợi sáng mai mới gặp được. Theo tôi nghĩ, ông Ngô Đình Thục không dính dáng gì đến chuyện nầy.”

Lực lượng được điều động đi dẹp biểu tình tối 8 tháng 5/1963 tại Huế gồm có:

– Lực lượng Cảnh Sát Thừa Thiên

– Lực Lượng Bảo An do Đại Úy Nguyễn Kinh Lược, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Bảo An Thừa Thiên chỉ huy

– Một Đại đội Lôi Hổ do Thiếu Uý Phú chỉ huy dưới sự điều động của Đại Tá Nguyễn Văn Hiền, Tư Lệnh phó Khu 11 Chiến Thuật.

– Hai Đại đội thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa (Phù Bài) do Đại Úy Vĩnh Biểu, Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện chỉ huy. (Đại Úy Vĩnh Biểu sau nầy là Đại Tá, đã cho Nguyễn Lý-Tưởng biết: Ông được lệnh đem quân về Huế, phải kiểm soát trước, không cho lính mang đạn theo, nghĩa là lính mang súng không có đạn)

– Chi Đội Tuần Thám do Trung Úy Nguyễn Kỳ gồm có 6 xe bọc sắt, bánh cao su do Mã Lai viện trợ (không phải xe Tank) do Đại Uý Nguyễn Kinh Lược điều động đến tăng cường.

Trước khi xuất quân, Thiếu Tá Đặng Sỹ đã nhận được điện thoại của Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm (Quân Đoàn I, từ Đà Nẵng) ra lệnh “phải dẹp biểu tình gấp”.

Thiếu Tá Đặng Sỹ ngồi trên xe cơ giới (vỏ xe bọc sắt, bánh xe bằng cao su) cùng với Trung Uý Nguyễn Kỳ. Khi đi tới ngã ba Pharmacy Lê Đình Phòng, Ty Công Chánh và Đại Học Văn Khoa (Morin cũ) gần Đài phát thanh Huế thì nghe tiếng nổ. (Xin nói thêm lúc đó, tôi là Nguyễn Lý-Tưởng cũng có mặt trước thềm Đại học Văn Khoa. “Tôi thấy rõ chiếc xe của Tiểu khu từ Toà Hành Chánh đường Lê Lợi chạy đến liền có tiếng nổ ở trước thềm Đài Phát Thanh Huế…Nhưng có một người tên là Hoàng Long Hải, cũng tự xưng là “nhân chứng” đã viết: Ông ta thấy Thiếu Tá Đặng Sỹ bắn ba phát súng ra lệnh… sau đó liền có tiếng nổ tại Đài Phát Thanh Huế… Các tài liệu của bên Phật Giáo nói rằng “xe tăng chạy cán lên xác Phật tử!” Làm sao xe tăng có thể leo lên thềm của Đài Phát Thanh được?

Để trả lời, tôi nêu lên đây vài ý kiến:

1)- Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết:

Thượng Tọa Thích Trí Quang hô hào Phật tử đến bao vây Đài Phát Thanh Huế phản đối Ban Giám Đốc Đài không cho phát thanh cuốn băng thu lại lời của Thượng Tọa Thích Trí Quang phát biểu tại chùa Từ Đàm…”

Theo tôi nghĩ, Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết như thế là thiếu trung thực, chưa muốn nói là ông Giáo Sư Sử Học muốn vu cáo cho Thượng Tọa Trí Quang.

Như tôi có nhận xét trong bài viết của tôi nói ở trên, xin trích lại vài đoạn cho rõ sự việc:

Đoạn thứ nhứt:

“… Khi đi ngang Đài Phát Thanh Huế, tôi thấy đồng bào tụ tập ở đây đông lắm, không biết chuyện gì, tôi về nhà cất xe rồi dắt vợ tôi và em gái ra đài phát thanh xem sao. Nhà tôi thuê ở lúc đó ngay phía trước rạp “Ciné Morin” cũ, cách đài phát thanh khoảng ba bốn trăm mét.”

Đoạn thứ hai:

“Việc dân chúng tụ tập trước đài phát thanh mỗi lúc một đông là vì nhiều lý do khác nhau. Có người chuẩn bị nghe đài phát thanh Huế phát lại chương trình buổi lễ hồi sáng hôm đó ở chùa Từ Đàm, nhưng đến giờ phát như đài đã thông báo lại không thấy gì hết, chỉ nghe đài phát nhạc mà thôi. Vì vậy, họ thắc mắc, hỏi nhau – những người hàng xóm đều cùng theo Phật như nhau -, rồi cùng tới đài phát thanh để xem thử “chuyện gì xảy ra”, có người như tôi, đi ngang đài phát thanh thấy đông thì tò mò hỏi, rồi về nhà, rủ anh em, chòm xóm ra đài phát thanh coi thử… “chuyện chi”. Càng hỏi, người ta biết không phát lại thanh chương trình buổi lễ vì sáng nay, Thượng Tọa Trí Quang, trong bài diễn văn, có nói tới việc cấm treo cờ. Do đó, đã tò mò, người ta lại càng tò mò hơn, để coi Thượng Tọa nói chi. Không ai nghĩ đây là một cuộc biểu tình có tổ chức, có chuẩn bị trước.”

Quả thật tôi không thấy ông Trí Quang có hô hào Phật tử đến bao vậy đài phát thanh, phản đối ban giám đốc, như Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết như trên.

Nói cho đúng, khi đồng bào tụ họp đã đông tại đài phát thanh rồi thì ông Trí Quang mới tới đây.

Động cơ nào đưa ông tới: Ông Ngô Ganh gọi lên chùa Từ Đàm hay ông tỉnh trưởng, ông đại biểu chính phủ được ông Ngô Ganh báo cáo rồi mấy ông nầy gọi lên chùa Từ Đàm hỏi duyên cớ và nhờ giúp đỡ giải quyết, hay ông Trí Quang biết đồng bào tụ họp đông đảo ở đó nên tự động tới, hay lý do nào khác. Tôi không phải là “đệ tử” của ông thầy chùa nào cả nên không rõ việc đó.

Độc giả đọc lại các đoạn trích dẫn trên và toàn bài in trong cuốn Viết Về Huế 1, thì sẽ không thấy việc phản đối ban giám đốc đài như Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết.

2)- Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết: “…cuốn băng thu lại lời của Thượng Tọa Thích Trí Quang phát biểu tại chùa Từ Đàm…”

Nói như thế không sai nhưng không chính xác, nếu không muốn nói là có ác ý, hay viết thiếu cẩn thận. Tôi xin nhắc lại cho chính xác hơn:

Không phải là cuốn băng thu lại lời thượng tọa Trí Quang mà chính đó là cuốn băng (thời sự) ghi lại buổi lễ Phật Đản diễn ra ở chùa Từ Đàm sáng hôm đó (8 tháng 5 năm 1963, nhằm ngày rằmg tháng Tư âm lịch). Trong cuốn băng nầy có lời phát biểu của ông Trí Quang về việc treo cờ. Tôi không đi dự lễ hôm đó, tôi không được nghe cuốn băng đó nên không rõ ông Trí Quang nói gì về việc cấm treo cờ.

Có những mâu thuẫn khi Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết đoạn văn sau đây:

“….Ông Nguyễn Văn Đẳng (Tỉnh Trưởng Thừa Thiên) và ông Hồ Đắc Khương (Đại Biểu CP tại Trung Nguyên Trung Phần). Ông Nguyễn Văn Đẳng đã nói với Thiếu Tá Đặng Sỹ: “Tôi ra lệnh cho anh phải đem lính đến dẹp ngay bọn người đang làm loạn tại Đài Phát Thanh Huế”. Ông Đặng Sỹ trả lời: “Tôi là quân nhân, tôi phải trình việc nầy với Cấp Chỉ Huy của tôi để xin chỉ thị”. Lúc đó, ông Hồ Đắc Khương liền nói: “Nhân danh Đại Biểu Chính Phủ, tôi ra lệnh cho anh…” Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Đẳng nói: “Cho tôi gặp ông Ngô Đình Thục”. Thiếu Tá Đặng Sỹ trả lời: “Bây giờ là ban đêm, phải đợi sáng mai mới gặp được. Theo tôi nghĩ, ông Ngô Đình Thục không dính dáng gì đến chuyện nầy.”

Thứ nhứt, cả hai ông đại biểu chính phủ Hồ Đắc Khương và tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng đều ra lệnh cho ông thiếu tá Đặng Sĩ “đem lính đến dẹp ngay bọn người đang làm loạn tại đài phát thanh Huế”.

Xin lưu ý những danh từ hai ông này dùng: “dẹp ngay”, “bọn người đang làm loạn”. Đó là những danh từ biểu lộ sự tức giận, gay gắt, miệt thị (bọn)…

Tôi xin hỏi: Ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng đã ra lệnh đem lính đến dẹp ngay có nghĩa là dùng biện pháp mạnh, cứng rắn thì ông tỉnh trưởng, sau khi ra lệnh, còn đến đài phát thanh làm gì. Theo lời ông Trí Quang nói trên loa hôm đó thì ông tỉnh trưởng đến đài để giải quyết, “giải quyết” có nghĩa là dùng biện pháp mềm mỏng chớ đem lính đến dẹp ngay gì nữa.

Có thể ông tỉnh trưởng chơi trò hai mặt: Một mặt thì ra lệnh cho Đặng Sĩ “đem lính đến dẹp ngay”. Mặt khác thì giả bộ đến với thái độ hiểu biết, hòa nhã...

Tôi không tin ông tỉnh trưởng chơi trò hai mặt. Có thể một mặt ông tỉnh trưởng được lệnh “ai đó” giả bộ đến đài phát thanh Huế giải quyết ôn hòa, mặt khác thì nhân lúc đó, đồng bào Phật tử đang tin tưởng ông tỉnh trưởng thì dùng biện pháp mạnh, cho nổ súng (chỉ thiên), nổ lựu đạn, làm cho đồng bào sợ hãi mà phải giải tán.

Nói như thế thì ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng cũng chỉ là nạn nhân của ai đó mà thôi.

Độc giả có thấy cái ác ý của Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng không?

Theo ông Giáo sư viết như trên thì lệnh đàn áp được ban ra từ ba người: Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm (quân sự), ông đại biểu chính phủ Hồ Đắc Khương, ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng. Cả ba ông nầy đều không theo đạo Thiên Chúa La Mã. Tôi không gọi họ là Phật tử vì tôi không biết họ có đi chùa thường hay không! Nôm na tôi gọi ba ông nây là người lương. Người lương cũng có đi chùa nhưng không đi nhà thờ.

Vậy thì việc đàn áp ở đài phát thanh hôm đó, có phải là từ ông tổng giám mục Ngô Đình Thục hay ông Ngô Đình Cẩn là những người theo đạo Thiên Chúa La Mã đâu?! Mấy ông “thờ Phật” đàn áp nhau, giết nhau đấy chớ, sao lại đổ tội cho mấy ông có đạo Thiên Chúa.

Thật ra, theo tôi đoán chừng (đoán chừng thôi nhé), Ông Giáo sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng chẳng biết mô tê gì về việc đàn áp hôm 8 tháng 5 năm 1963 ở đài phát thanh Huế.

Vì sao tôi nói như thế?

Rõ lắm. Ngay từ đầu bài ông Giáo sư Sử học viết:

“… Tôi đã nhiều lần gặp Cựu Thiếu Tá Đặng Sỹ tại Hoa Kỳ và đã nghe ông kể lại:

Đấy! Ông Gáo sư Sử học nói rõ là “Nghe ông kể lại…”

Ông Gáo sư Sử học Nguyễn Lý Tưởng còn viết:

Xin nói thêm lúc đó, tôi là Nguyễn Lý-Tưởng cũng có mặt trước thềm Đại học Văn Khoa.”

Ông Giáo sư Sử học Nguyễn Lý Tưởng “Cũng có mặt truớc thềm Đại học Văn khoa” nhưng ông không rõ địa thế ở đó như thế nào, diễn tả sai lạc như tôi có phân tích ở đoạn sau.

Nói cho đúng tình hình chính trị Huế hay toàn bộ miền Trung thời bấy giờ là thuộc quyền “Cụ Cố Trầu”, hay “Cố vấn chỉ đạo” hay gọi như báo chí bấy giờ là “lãnh chúa miền Trung”, tức ông Ngô Đình Cẩn. Với chức vụ nầy, ông Ngô Đình Cẩn có văn phòng đàng hoàng. Văn phòng ở phía trước nhà thờ Phú Cam, quay mặt vào nhà thờ có tấm bảng lớn, sơn trắng, viền xanh, chữ xanh, ghi là “Văn phòng Cố vấn Chỉ Đạo”. Tôi không nghĩ có ông Cẩn ngồi ở đây. Có một ông nào đó ngồi “giữ chùa”. Cậu vẫn ở nhà, có việc gì thì có người đến thưa, bẩm…

Để phụ với ông anh làm tổng thống, cậu chọn lựa và sắp đặt các chức vụ quan trọng ở miền Trung, từ chức đại biểu chính phủ, các ông giám đốc các nha (Công chánh, giáo dục, y tế…), các ông tỉnh trưởng, quận trưởng, các ông trưởng ty Cảnh Sát, Công An,… Còn các ông hiệu trưởng trường tiểu học, trung học, trưởng ty các ngành khác, do các ông giám đốc đề nghị với “cậu”… Việc nầy ở Huế nhiều người cũng biết, khỏi nói dông dài.

Sau năm 1960, bảng hiệu văn phòng của “cậu” bị hạ xuống. Có nghĩa là văn phòng bị dẹp bỏ.

Tại sao?

Tại vì sau khi ông Ngô Đình Thục về làm tổng giám mục ở Huế thì nhà “cậu” “vắng khách”. Người dân Huế bàn tán không ít về việc “dẹp bảng hiệu” nầy của ông Cố Trầu”. Họ cho là anh em nhà họ Ngô tranh quyền nhau.

Ngô Đình Cẩn (trái) và cố Giám Mục Ngô Đình Thục

Tại vì thế lực của “cậu” hay tiếng nói của “cậu” không nặng ký bằng tiếng nói của “đức cha”. “Đức cha” muốn cho ai thay ghế ông phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ cũng được huống gì mấy chức đại biểu chính phủ, tỉnh trưởng, quận trưởng, giám đốc, trưởng ty “quèn”. Vậy là “anh hùng hào kiệt”, “tinh hoa miền Nam” không còn vào ra chầu ở nhà “cậu” nữa, “không còn thấy cái lỗ rún lồi” nữa, mà qua chầu bên tòa tổng giám mục Huế, nằm ở góc đường Phan Đình Phùng + Nguyễn Trường Tộ. Trên đường Nguyễn Trường Tộ, đối diện với dãy nhà hai tầng của ông Thục dựng nên cho thuê, xe mang bảng số chính quyền đậu dài dài.

Độc giả không tin tôi?

Điều ấy thì tùy nhưng xin vui lòng đọc đọan sau đây, tôi trích trong cuốn “Làm thế nào để giết một tổng thống” của Lương Khải Minh (bác sĩ Trần Kim Tuyến) và Cao Thế Dung thì sẽ hiểu rõ hơn:

“…. Ông Cẩn cho là phải và rất đồng ý với Cha Luận nhưng ông Cẩn cho biết: “Từ ngày Đức Cha về đây, Đức Cha có coi tôi có ra cái gì đâu. Tôi làm sao nói được xin nhờ Cha vào Saigon gặp thẳng Tổng Thống để nói cho rõ sự lợi hại”. Hôm sau, cha Luận vào Saigon xin gặp ông Ngô Đình Nhu.

. . . .

“… Con đường Saigon – Vĩnh Long vẫn tấp nập khách công hầu. Ông Nhu thường phàn nàn với nhân chứng Lương Khải Minh “Bây giờ Nội Các và Quốc Hội họp ở Vĩnh Long mà!”

Vậy thì lệnh ông đại biểu chính phủ, tỉnh trưởng có nghĩa lý gì. Tiếng nói của họ chỉ là cái loa phát lại tiếng nói từ đâu đó, ai đó? Cũng không khó trả lời.

Ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và ông Phó tỉnh trưởng Nội An kiêm tiểu khu trưởng Đặng Sĩ ai to hơn ai?

Thông thường thì ông trưởng to hơn ông phó. Dưới chế độ Cộng Hòa của ông Diệm và dưới “cái bóng đen” của “đức cha” ở Huế thì ngược lại. Ông phó to hơn ông trưởng.

Độc giả không tin tôi?

Rõ lắm, xin đọc lại đoạn viết của ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng tôi vừa trích ở trên sẽ biết ngay.

“… Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Đẳng nói: “Cho tôi gặp ông Ngô Đình Thục”. Thiếu Tá Đặng Sỹ trả lời: “Bây giờ là ban đêm, phải đợi sáng mai mới gặp được. Theo tôi nghĩ, ông Ngô Đình Thục không dính dáng gì đến chuyện nầy.”

Tôi có 2 nhận xét về đoạn nầy:

1)- Tại sao muốn gặp ông Ngô Đình Thục mà ông tỉnh trưởng phải xin ông phó: “Cho tôi gặp ông Ngô Đình Thục.” Vậy thì ông “không phải là đệ tử ruột” muốn gặp “đức cha” thì phải “xin” ông “đệ tử ruột” của “đức cha” giúp cho. Vậy thì ông “đệ tử ruột” lớn hơn ông “không phải là đệ tử ruột”. Chỉ có thế mới có cái việc ngược đời trong thiên hạ là ông phó to hơn ông trưởng, giống như thời Dziệt Cộng thì “Thủ kho to hơn thủ trưởng” vậy!

Ông tỉnh trưởng xin ông phó tỉnh trưởng cho gặp “đức cha” để làm gì?

Độc giả thử đoán coi!

Để xác nhận lại có phải “đức cha” ra cái lệnh như thế không? Cái lệnh ghê quá, khiến ông tỉnh trưởng e ngại. Có thể đó là lệnh đàn áp ở đài phát thanh hôm ấy. Trước cái lệnh ghê gớm đó, – cái lệnh nầy là gịot nước tràn ly, là nguyên nhân làm sụp đổ nhà Ngô – thì ông tỉnh trưởng phải xin gặp “đức cha” và hỏi lại cho chắc để sau nầy còn có người chịu trách nhiệm về cái lệnh ấy chứ.

Cuối cùng, sau khi nhà Ngô bị lật đổ, không ai rõ cái lệnh đàn áp ấy do từ đâu ra. Ông Đặng Sĩ không khai, ông đại biểu chính phủ không nhận, ông tỉnh trưởng cũng lắc đầu “không phải tại tui.”

Tới tận bây giờ, khi đã “tan hàng”, các ông lớn “cao chạy xa bay”, hầu như “tiêu diêu miền cực khổ” hay “Chúa gọi về” cả rồi, không ai còn sống nên ông Đặng Sĩ mới mạnh miệng nói rằng do lệnh ông nầy, ông kia, lệnh do ông Hồ Đắc Khương, Nguyễn Văn Đẳng ban ra. Không lý mấy ông nầy dưới âm phủ chui lên mà cải chánh? Tại sao hồi đó ra tòa, ông Đặng Sĩ lại câm như hến. Có phải hồi đó, ông Hồ Đắc Khương còn sống, ông Nguyễn Văn Đẳng còn sống, ông Đặng Sĩ không dám đổ thừa!

Khi xưa, ông Đặng Sĩ một tiếng gọi “đức cha”, hai tiếng gọi “đức cha”, thậm chí không dám gọi tên tục của ông Ngô Đình Thục. Bây giờ, ông Đặng Sĩ gọi trổng, xách mé: “Theo tôi nghĩ, ông Ngô Đình Thục không dính dáng gì đến chuyện nầy.”

Sao ông Đặng Sĩ ăn nói thiếu tôn kính “đức cha” như vậy là vì ông ta hận “đức cha” cái gì chăng?

Giả thử như hồi đó ông Sĩ không phải là người nhận lệnh “đức cha” mà đàn áp Phật giáo đồ ở đài phát thanh Huế, hoặc là “đức cha” công khai chịu trách nhiệm về việc đàn áp ấy, không để chỉ riêng mình ông Sĩ “ngậm miệng ra tòa”, mà cũng là “ngậm cay nuốt đắng” một mình suốt đời thì ông có hận “đức cha” làm chi.

Hoặc giả, nói xa hơn, ông không theo “đức cha”, cứ đời nhà binh mà tiến, thì đường binh nghiệp của ông cứ thế mà đi lên, có dở thì cũng sống lâu ra lão làng, thêm một hai bông mai trắng trên cổ áo nữa, biết đâu lên tướng không chừng. Vì theo “đức cha” mà thân ông tù tội, bị lột loon, lột chức, bị đuổi ra khỏi quân đội, đời ông đáng buồn biết bao nhiêu! Trong hoàn cảnh đó, y như “đem con bỏ chợ”, thì ai cũng oán “đức cha” chứ có riêng gì Đặng Sĩ, thì ông còn tôn kính “đức cha” được nữa chăng. Không gọi là “đức cha” mà gọi thẳng một cách thiếu tôn kính là “Ông Ngô Đình Thục” là một cách biểu lộ sự oán hận của ông ta đấy!

Ba ông lớn của miền Trung, của Huế hôm ấy, gồm có ông Hồ Đắc Khương, đại biểu chính phủ, ông tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Đẳng, ông phó tỉnh trưởng nội an kiêm tiểu khu trưởng Thừa Thiên Huế là những người chịu trách nhiệm về tình hình an ninh gặp nhau để bàn về việc bất an ở đài phát thanh Huế. Đúng ra là phải có thêm ông Đặng Phong, trưởng ty Công An nữa mới đúng, nhưng tại sao ông Đặng Sĩ không nhắc tên ông Đặng Phong ở đây. Có phải vì ông Đặng Phong là anh ruột ông Đặng Sĩ? Hai anh em nhà họ Đặng nầy, một người nắm quân đội, môt người nắm công an thì coi như trùm thiên hạ ở đây rồi. Ông Đặng Sĩ không muốn có tên ông Đặng Phong ở đây, chắc là ông cho cái đám nầy, chẳng vẻ vang gì, lịch sử sẽ nhắc nhở và phán xét, nên ông Đặng Sĩ cho rằng một mình ông em gánh chịu cũng được rồi, “tha” cho ông anh.

Ba ông lớn nói trên, là những người có trách nhiệm thì lo giải quyết, mắc mớ chi mà ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng nhắc tới “đức cha”, một nhà tu, chỉ biết lo việc tu hành. “Cho tôi gặp ông Ngô Đình Thục.” Người ta có thể tự hỏi: “Ông Ngô đình Thục là cái gì nên ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng mới xin gặp chớ?”

Một mặt thì ông thiếu tá Đặng Sĩ nói rằng “Ông Ngô Đình Thục không dính dáng gì đến chuyện nầy.” Mặt khác, thì ông thiếu tá Đặng Sĩ lại cho biết ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng yêu cầu “Cho tôi gặp ông Ngô Đình Thục”. Hai sự kiện nầy không phải là mâu thuẫn chăng?

Mâu thuẫn gì đâu!

Ông thiếu tá Đặng Sĩ muốn che dấu việc “đức cha” có dính dáng đến việc nầy”, mặt khác lại càng cố che dấu mà nói lộ ra. Việc làm như thế, thông thường người ta gọi là “Dấu đầu lòi đuôi” hay “Thượng bất thò lò thì hạ thò lò” như người ta đắp chiếc chiếu ngắn vậy. Sự khôn ngoan của ông thiếu tá Đặng Sĩ không cao nên “dấu đầu lòi đuôi.” Nếu hồi đó, khi ông thiếu tá Đặng Sĩ ra tòa, nếu ông quan tòa không nhận lệnh trước, hỏi cho tới thì ông thiếu tá Đặng Sĩ có chạy đằng trời.

Bên cạnh đó, ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng cũng “thiệt thà” không kém, cứ nghe ông cựu thiếu tá Đặng Sĩ nói sao ghi lại y chang như vậy, nên mới có chuyện… buồn cười “dấu đầu lòi đuôi.”

2)- Ông Thục không biết gì cả?

Có thực ông Ngô Đình Thục không dính dáng gì đến việc nầy như ông cựu thiếu tá Đặng Sĩ kể và ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết lại không?

Thật ra, sau vụ “đài phát thanh Huế” ít ngày, trong một buổi tập họp dân chúng Huế tại rạp Ciné Morin cũ, sau nầy là giảng đường trường Đại Học Khoa Học (Lớp SPCN đông sinh viên nên thường học ở giảng đường nầy) “đức cha” Ngô Đình Thục có xuất hiện nói chuyện với “đồng bào”. “Đức cha” Ngô Đình Thục khẳng định với mọi người rằng Dziệt Cộng đã quăng lựu đạn ở đài phát thanh. Đó là loại lựu đạn MK-3, một thứ vũ khí mà lúc đó, quân đội Việt Nam Cộng Hòa không có.

Việc nầy dễ nhớ vì hôm đó có người nêu thắc mắc với “đức cha” là có chứng cớ gì cho thấy rằng việc quăng lựu dạn là do Dziệt Cộng không?

Không thấy “đức cha” trả lời cho rõ ràng, nhưng cái ông “gan cùng mình” dám “vuốt râu cọp”, nêu thắc mắc với “đức cha” liền bị Công An “cặp cổ” đưa vô “cảnh đoạn trường” khi mới ra tới đường Trương Định, con đường bên hông rại ciné Morin nói trên.

Độc giả có thấy buồn cười không?

Ông cựu thiếu tá Đặng Sĩ nói “ông Ngô Đình Thục không dính dáng tới việc nầy” thì “đức cha” lên diễn đàn hôm đó, “thanh minh thanh nga” cho đám binh lính của ông cựu thiếu tá Đặng Sĩ làm gì?

Về sau, khi tình hình càng lúc càng căng thẳng, chính quyền đàn áp thẳng tay, thì “đức cha” còn họp báo, tuyên bố nhiều lần nữa. Cứ mỗi lần như thế, đám bạn bè của tôi và tôi, cười nói với nhau rằng “Đức cha đang tự thú”.

Sau vụ đàn áp ở đài phát thanh Huế, ông anh rể, chồng bà chị họ tôi, tên là Nguyễn Văn Qu., làm việc ở Nha Công Chánh Trung Nguyên Trung Phần, người thường hay ngồi ăn sáng ở càphê Lạc Sơn, chưởi đổng thiên hạ mà chơi. Ông ta gọi tôi tới, khi tôi cũng đi ăn sáng, gặp ông. Ông anh rể bảo:

– “Mấy thằng nịnh bây giờ bỏ ông Cẩn mà bu áo đức cha. Thấy dân chúng tụ tập đông ở đài phát thanh, vô thưa với ông Thục: Đức cha yên tâm, tụi nầy để con làm một cái là xong. Không chừng xong luôn nhà họ Ngô.”

Mấy người ngồi chung quanh nghe ông anh rể tôi nói mà lạnh mình. Nhà tù Diệm Nhu bây giờ chật như cá hộp. Công An đầy đường mà dám nói như thế là gan cùng mình. Hay ông ta làm cò mồi cho Công An?

Xin độc giả đọc lại một đoạn do ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng như sau:

“… Thiếu Tá Đặng Sỹ ngồi trên xe cơ giới (vỏ xe bọc sắt, bánh xe bằng cao su) cùng với Trung Uý Nguyễn Kỳ. Khi đi tới ngã ba Pharmacy Lê Đình Phòng, Ty Công Chánh và Đại Học Văn Khoa (Morin cũ) gần Đài phát thanh Huế thì nghe tiếng nổ. (Xin nói thêm lúc đó, tôi là Nguyễn Lý-Tưởng cũng có mặt trước thềm Đại học Văn Khoa. “Tôi thấy rõ chiếc xe của Tiểu khu từ Toà Hành Chánh đường Lê Lợi chạy đến liền có tiếng nổ ở trước thềm Đài Phát Thanh Huế.”

Về đoạn văn nầy, tôi cũng xin bày tỏ vài ý kiến như sau:

1)- Loại xe cơ giới (xe thiết giáp bánh cao su do Mã Lai viện trợ như tôi có nói ở trên. Tôi không hiểu sao, người ta không gọi là xe thiết giáp, để tránh hiểu lầm với binh chủng Thiết Giáp của quân chính qui VNCH, nên gọi là xe cơ giới chăng? Dân chúng thì gọi là “xe nồi đồng” vì cái pháo tháp trông giống như cái nồi đồng úp ngược) chở ông cựu thiếu tá Đặng Sĩ và ông cựu trung úy Bảo An Nguyễn Kỳ chỉ huy chi đội cơ giới tuần thám tới ngã ba đường Hoàng Hoa Thám và đường Lê Lợi (chỗ có nhà thuốc Tây Lê Đnìh Phòng) thì có tiếng nổ.

Thực ra, tiếng nổ chỉ xảy ra sau khi:

– Khi xe cơ giới đã vào vườn hoa (sân trước, ngó ra đầu cầu Trường Tiền) và dừng lại ở đó. Xin lưu ý một điều. Tại ngôi nhà làm đài phát thanh phía trước có một cái nền ximăng cao (cao ngang bụng người lớn tuổi), đi lên đó bằng mấy bậc cấp. Từ bậc cấp kéo dài ra gần tới chân cầu Trường Tiền (vườn hoa và đầu cầu cách nhau bằng một con đường rộng, xe hơi chạy hai chiều được) là vườn hoa.

Vườn hoa xây dựng đâu từ thời Pháp thuộc, chung quanh là các đường đi bộ, đủ rộng để cho xe hơi chạy lọt vào được. Giữa là các đường cong để người ta có thể đi dạo chơi. Giữa các đường cong là các bồn hoa cũng không lớn lắm. Xe cơ giới chạy vào đậu ở các đường đi dạo nầy, không leo lên được nền ximăng cao trước đài phát thanh – chỗ đó có phòng vi âm.

– Ông Ngô Ganh, quản đốc (đúng danh xưng là quản đốc) đài phát thanh và ông Trí Quang đã đón ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng tới. Trên cái nền ximăng, người ta đã đem ra một chiếc bàn gỗ, ông tỉnh trưởng và ông Trí Quang đã leo lên đứng trên bàn đó, chưa kịp nói gì thì lựu đạn nổ.

Tôi có thắc mắc:

– Ông cựu thiếu tá Đặng Sĩ và ông cựu trung úy Nguyễn Kỳ ngồi xe cơ giới mới tới ngang chỗ nhà thuốc Tây Lê Đình Phòng. Vậy thì người đứng trên chiếc xe cơ giới có chữ Ngô Đình Khôi viết bên hông xe là ai?

Như tôi đã nói xe có chữ Ngô Đình Khôi bên hông phải là xe chỉ huy. Ông chỉ huy nầy không thể đi trên những chiếc xe có tên Lê Lợi, Quang Trung viết bên hông được. Hồi bấy giờ, nhà Ngô đang cố vẽ vời cái giòng họ Ngô đình là “cách mạng” mà ông anh cả Ngô Đình Khôi là hạng nhứt. Con đường lớn nhứt, dài nhứt, chạy ngang trước dinh Độc Lập được đặt tên là đại lộ Ngô Đình Khôi là vì vậy. (Sau khi nhà Ngô bị lật đổ, con đường nầy cũng bị đổi tên theo, gọi là đường Công Lý. Đoạn trước dinh Độc Lập, chỉ được chạy một chiều nên người ta gọi mỉa là “Công Lý một chiều”.

Theo ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng, cựu thiếu tá Đặng Sĩ cũng ngồi trên xe cơ giới. Có lẽ ông Sĩ và ông Kỳ phải ngồi hai xe khác nhau mới đúng. Xe cơ giới, như đã nói là xe có bốn bánh cao-su, “xe nồi đồng”, trên đầu xe là pháo tháp, cũng là chỗ ngồi của trưởng xa. Trưởng xa có thể đứng thẳng lên, ngồi ló đầu lên hay ngồi thụp xuống để nắp pháo tháp có thể đóng lại được. Ở đây chỉ có 1 ghế. Nếu cựu trung úy Nguyễn Kỳ ngồi đây thì ông Đặng Sĩ ngồi ở đâu, không lý đeo tòn ten sau xe. Phía đầu xe là chỗ ngồi của tài xế và hiệu thính viên (truyền tin).

Tiếc rằng ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng không nói rõ việc nầy, chỉ nói chung chung rằng “Thiếu Tá Đặng Sỹ ngồi trên xe cơ giới (vỏ xe bọc sắt, bánh xe bằng cao su) cùng với Trung Uý Nguyễn Kỳ.”

Ông Sĩ ngồi trên xe cơ giới cùng với ông trung úy Nguyễn Kỳ, “ngồi cùng” như thế nào thì tôi xin chịu, không thể hiểu nổi.

Nhập ngủ, ra trường Thủ Đức xong, tôi chọn binh chủng Thiết giáp, học khóa 25 Sĩ quan Căn bản Thiết giáp, biết chút ít về xe cơ giới, như các xe Mã Lai viện trợ như nói ở trên (xe nồi đồng), xe Scout-Car, xe Half-Track, Char (tăng) mobillée, Char (tăng) M-24 có Canon Beaufort, thiết vận xa M-113, M-114, tăng M-41, tăng M-48 (sau 1972, quân đội VNCH mới có M-48, do Mỹ rút về nước giao lại). Nếu hai ông Sĩ và Kỳ đi xe Scout-Car hay Half-Track hay xe Jeep thì còn hiểu được, còn đi chung xe cơ giới (có pháo tháp) thì tôi xin chịu, không hiểu ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng nói cái gì.

Cũng còn một điều khó hiểu khác nữa:

– Đối với tỉnh Thừa Thiên – Huế (thị xã Huế, nói gọn như thế), ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng là người số một, hàng đầu, Ông cựu thiếu tá Đặng Sĩ, phó tỉnh trưởng nội an, và ông chi đội trưởng (thông thường mỗi chi đội có 5 xe) trung úy Nguyễn Kỳ là tay dưới, là thuộc cấp. Khi có chuyện gì quan trọng xảy ra, như việc ở đài phát thanh hôm đó, ông tỉnh trưởng thì đến trước, còn hai ông thuộc cấp thì đến sau. Đúng ra là phải ngược lại, các ông nhỏ đến trước, coi sóc an ninh trật tự đâu đó xong xuôi thì ông trưởng mới tới, tới sau chớ. Đằng nầy, ông lớn tới rồi, lựu đạn nổ rồi, hai ông nhỏ mới tàn tàn cho xe tới thì coi làm sao được. Làm gì có chuyện lạ đời như thế, ngoại trừ khi, hai ông thuộc cấp còn phải chờ nhận lệnh “ai đó”, nên có đến sau, ông tỉnh trưởng cũng không dám nói động chạm gì tới. Tục ngữ gọi trường hợp như thế là “Sợ cọp nên sợ cứt cọp.” Ở đời thiếu gì người sợ cứt, dù cứt cọp hay cứt người.

Cũng xin đọc thêm một đoạn do ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết:

(Xin nói thêm lúc đó, tôi là Nguyễn Lý-Tưởng cũng có mặt trước thềm Đại học Văn Khoa. Tôi thấy rõ chiếc xe của Tiểu khu từ Toà Hành Chánh đường Lê Lợi chạy đến liền có tiếng nổ ở trước thềm Đài Phát Thanh Huế.

– (đoạn nầy có mở ngoặc {(} nhưng không thấy đóng ngoặc {)}. –

Ông Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng “có mặt ở trước thềm Đại học Văn Khoa”, tức là Morin cũ, từ dó mà ngó lên tòa Hành chánh tỉnh là xa lắm (ngã ba Hoàng Hoa Thám + Lê Lợi, rồi tới ty Y tế, trường Bình Minh của “cậu” (tên hồi đó), Thư viện đại học, ngã ba Lý Thường Kiệt + Lê Lợi, ngôi nhà lầu tòa soạn báo Lành Mạnh của nha Y Tế, bệnh viện Trung Ương Huế, rồi mới tòa Hành Chánh tỉnh, nghĩa là xa ít nhứt phải khoảng hai cây số, vậy mà ông Giáo Sư Sử Học viết “Tôi thấy rõ chiếc xe của Tiểu khu từ Toà Hành Chánh đường Lê Lợi chạy đến… thì quả mắt ông ta là “mắt thần”, “thiên lý nhãn” hay ít ra cũng là “mắt bồ câu” hay “mắt trừu”.

Ông lại còn viết “tiếng nổ trước thềm đài phát thanh Huế.”

Tôi xin vẽ đại khái khung cảnh ở khu vực đó như sau:

– Ngã ba Hoàng Hoa Thám + Lê Đình Phòng, bên góc là nhà thuốc Tây Lê Đình Phòng. Bên kia đường Hoàng Hoa Thám là góc Morin, tức Đại học Văn khoa.

Từ ngã ba nầy, đi dọc theo đường Lê Lợi:

+ Phía tay phải là toàn bộ khu Morin, kéo dài tới ngã tư Lê Lợi + Duy Tân. Đường Duy Tân, phía phải là đường đi An Cựu, phía trái là cái dốc thoai thoải, đi lên cầu Trường Tiền.

+ Phía tay trái là “Vườn trẻ”, kế là “nha Ngoại Viện”, rồi tới sân sau mà cũng là cửa sau đài phát thanh Huế. (Cửa trước ngó ra đầu cầu Trường tiền như tôi đã nói).

Người lui tới đài thường đi ngã sân sau nầy, ngó ra đường Lê Lợi. Ở sân sau nầy, từ ngoài đường đi vào, dài khoảng hai chục mét, bên trái là hàng rào với nha Ngoại Viện, bên phải, sau khi qua một quãng vườn hoa dài khoảng 10 mét, thì kế tiếp là một gian phòng nhỏ, mỗi bề khoảng 4 hay 5 mét, chỉ có một cửa lớn trổ ra sân sau. Hai phía kia, phía đường Lê Lợi có sửa sổ bằng kính và đường Duy Tân (ngó ra sân trước). Phía trong liền vách với đài phát thanh, không có cửa nẻo gì cả.

Khi đồng bào tập trung một lúc mỗi đông, có mấy em nhỏ, khoảng trên dưới 10 tuổi, có em thì thuộc gia đình Phật tử của khuôn hội nào đó, (khuôn hội tổ chức theo phường), có em không thuộc gia đình Phật tử nào cả, đến đài phát thanh, vì đông người, nên vào ngồi nghỉ trong cái phòng nhỏ nầy.

Phòng nhỏ nầy cũng là phòng nghỉ chân của những người có liên hệ đến đài phát thanh Huế, như ca sĩ, xướng ngôn viên, hay chuyên viên, tới đài nhưng chưa lên phiên thì nghỉ ở đây. Vì vậy, việc vô ra phòng nầy, không bị giới hạn hay nghiêm cấm gì cả. Đó cũng là lý do tại sao các em nhỏ khi thấy đông người, bèn vào nghỉ ở phòng nầy. Ngồi nghỉ ở đây có 7 em, phần đông là gái.

Khi có ba phát súng lệnh từ chiếc xe cơ giới mang tên Ngô Đình Khôi bắn ra, thì tiếp sau là tiếng nổ dữ dội phát ra từ căn phòng nói trên. Tất cả 7 em trong căn phòng nầy đều tử nạn. Các em nầy chết vì sức ép của lựu đạn M-K3 chớ không vì miểng lựu đạn. Loại lựu đạn tấn công nầy, là loại gây thương vong bằng sức ép của chất nổ, không có miểng. Sức ép làm cho các em chết không toàn thây.

Xin đọc lại một đoạn tôi viết trong bài “Một nhân chứng bất đắc dĩ” in trong “Viết Về Huế”, tập 1:

“… Khi trên đài lục cục khiêng bàn ra xong, TT Trí Quang và Ông Tỉnh Trưởng đã đứng trên đó, chưa kịp nói gì, thì ngay trước mặt tôi, người chỉ huy đứng trên chiếc xe có tên Ngô Đình Khôi, đứng thẳng lên, (người và xe đều hướng về phía đài phát thanh) rút súng Colt bắn lên trời ba phát. Tôi thấy lửa từ nòng súng lóe ra rất rõ ràng. Tiếp theo đó là một tiếng nổ lớn phát ra từ phía đài phát thanh. Xin nhớ là ba phát súng lệnh nổ trưóc, lựu đạn nổ sau. Ông tỉnh trưởng và TT Trí Quang đang đứng trên bàn cao, liền nhảy xuống chui vào gầm bàn (việc chui vào gầm bàn sau này tôi chỉ nghe nói lại). Thiên hạ chạy tán loạn. Tôi dắt vợ và em gái chạy ngược lại đường cũ, băng qua ngã Vườn Trẻ, về nhà….”

“Tôi xin nói rõ thêm một điều mà những ai ở trong Quân đội hay Cảnh Sát, Công An đều biết, bao giờ cũng phải có lệnh trước mới thi hành. Thành thử, tôi xin nói rõ: Ba phát súng lệnh nổ trước, lựu đạn nổ sau.

“Thiên hạ chỉ bỏ chạy sau khi có tiếng nổ lớn phát ra làm cho người ta hoảng hồn. Nếu lựu đạn nổ trước, tôi cũng dắt vợ và em gái bỏ chạy rồi, còn đâu đứng đó để nghe và thấy ba phát súng lệnh phát ra?!

“Tôi thấy ba phát súng lệnh là rõ lắm, vì người chỉ huy đứng trên xe khi bắn súng, hình ảnh hiện rõ ra trước mắt tôi, cách chưa tới 5 mét. Tiếng nổ đã rõ mà lửa từ họng súng lóe ra trong đêm cũng rõ lắm, rất dễ gây ấn tượng cho người thấy nó.”

Ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng viết “tiếng nổ ở trước thềm Đài Phát Thanh Huế.” là sai ghê lắm.

Nổ ở trước thềm đài phát thanh là nổ ở đâu, chỗ cái nền cao có ba ông là ông tỉnh trưởng, Ngô Ganh và ông Trí Quang? Chỗ nầy mới gọi là thềm, phía ngoài thềm là vườn hoa. Nếu nổ ở thềm, thì ba ông nói trên, thế nào cũng có người bị thương hay chết.

Theo tôi hiểu, lựu đạn sát hại bằng sức ép tầm sát hại không rộng, vì xa lựu đạn khoảng vài mét thì sức ép sẽ bị giảm bớt đi. Do đó, khi tấn công địch, dùng loại lựu đạn nầy đỡ nguy hiểm cho ta. Dùng loại lựu đạn có miểng mà tấn công, miểng có thể văng trúng ta dễ như chơi.

Tuy nhiên, trong phòng kín, trong hầm núp, vì có vật cản thì sức ép càng tăng thêm, tầm sát hại càng mạnh, lớn.

Trong cách nổ như thế, 7 em bé trong căn phòng nhỏ, không em nào sống sót và chết không toàn thây là vì vậy.

Chỗ ông Giáo Sư Sử Học đứng, thềm Đại Học Văn Khoa ngó vô căn phòng lựu đạn nổ, đâu có bao xa. Tại sao ông ta không nghe thấy tiếng nổ phát ra ở đó mà nói sai là ở trước thềm đài phát thanh.

Vậy thì chuyện gì xảy ra?

Một là tuy ông ta có đứng đó, nhưng ông… không biết gì cả.

Hai là hôm đó ông ta không có mặt ở đó nhưng nói mò, nói theo người ta kể lại, tam sao thất bổn. Người ghét Phật giáo, đệ tử ông “đức cha” Ngô Đình Thục thì nói theo kiểu “đức cha”. Ai dám có ý kiến ngược lại “đức cha” thì ngồi… tù. Ai dám có ý kiến ngược lại ông Đặng Sĩ, ông Giáo Sư Sử Học thì ít ra cũng bị… chưởi.

Tôi cũng bị ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng “chưởi cho một trận” rồi.

Đầu đuôi như thế nầy:

Cách đây hơn mười năm, do bà con và anh em Quảng Trị ở Nam Cali thúc đẩy, nhứt là do sự khuyến khích của cụ Nguyễn Văn Đãi, cựu giáo sư trường Đồng Khánh, cựu đại biểu chính phủ, cũng dân Quảng Trị, hậu duệ quan phụ chánh Nguyễn Văn Tường, tôi có viết một bài nhan đề là “Nguyễn Văn Tường, nỗi oan lịch sử”. Xin trích một đoạn trong bài tôi viết:

Trong Việt Nam Sử Lược, ông Trần Trọng Kim viết: “Nguyễn văn Tường và Nguyễn hữu Độ không hợp ý nhau”

.. .. .. .. .. .. .. .. ..

“Vả bấy giờ ở Bắc Kỳ lại có nhiều người ghét Nguyễn Văn Tường xin thống tướng (De Courcy – tg) đem trị tội.”

“Nhiều người ở Bắc kỳ này là ai?

“Trị tội Nguyễn Văn Tường là tội gì?

“Tội không trung thành với Pháp, tội không hoàn thành được việc ổn định tình hình do Pháp giao phó như Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình? Chắc chắn “nhiều người” này là mới là bọn Việt gian, theo Tây, mượn thế lực của Tây để trả thù những người yêu nước đã chống lại chúng. Có thể bọn chúng là kẻ trong giới quan trường, mà lại là quan trường có uy thế, cỡ Tổng Đốc, Khâm Sai, Kinh Lược mới nói với De Courcy được. Rõ ràng xưa nay làm việc nước không dễ. Người ta còn quanh quẩn trong những đố kỵ, hiềm thù, ganh ghét riêng tư mà quên đi đại nghĩa, lẽ phải, công tâm. Thay vì họ thấy vai trò Nguyễn Văn Tường được giao phó: “Lệnh truyền cho Nguyễn Văn Tường ở lại thu xếp mọi việc”, thì nên giúp ông sớm ổn định tình hình, đem lại yên vui cho trăm họ, thì họ đối xử với ông bằng lòng thù hận, ghét bỏ riêng tư. Thế của ông Nguyễn Văn Tường bấy giờ là thế yếu, không được người Pháp tin dùng như Nguyễn Hữu Độ (tín đồ Thiên Chúa Giáo), Phan Đình Bình là người được Pháp chọn từ ngoài Bắc đưa về. Họ lợi dụng sự tin dùng của người Pháp để hãm hại Nguyễn Văn Tường! Hơn nữa, người Pháp không dùng và cũng không muốn cái tài ngoại giao của Nguyễn Văn Tường. Thù trong, giặc ngoài như thế, bị lưu đày và chết thảm ngoài hải đảo xa xôi là điều đương nhiên. Dù biết hay không biết cái thế nguy của mình, vì việc nước, Nguyễn Văn Tường đành thúc thủ, âm thầm gánh chịu…”

Sau khi bài nầy được đăng trên đặc san của hội Quảng Trị Nam Cali và được phát thanh ở đài nào đớ tôi không rõ, thì ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng gởi cho tôi một cái e-mail rầy rà tôi dữ lắm, bảo tôi rằng thì viết sử phải có tài liệu, có phương pháp, không nên viết ẩu viết tả, v.v… (4) Tại sao ông Nguyễn Hữu Độ, ông Nguyễn Trọng Hợp không phải là người theo đạo Thiên Chúa mà tôi lại viết như thế.

Thật tình, đọc thư của ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng, tôi cũng hoảng hồn. Tôi không phải là nhà sử học, người viết sử mà chỉ là người dạy lịch sử cho học trò trung học. Suốt mười năm đi dạy, nói thiệt lòng, bài tôi giảng cho học trò nhiều khi cũng không soạn kĩ. Dạy nhiều giờ mới đủ tiền nuôi gia đình nên tôi thiếu thời giờ soạn bài, chấm bài. Cũng may, khi đọc sách, thích thì tôi gắng nhớ, thành ra đầu tôi như một cái tủ sách tạp nhạp. Khi vào lớp, hay trước khi vào lớp, tôi cố nhớ và sắp xếp trong trí những gì phải giảng cho học trò. Cứ mỗi bài giảng, tôi phải giảng cho 3 hay 4 lớp. Cứ thế mà nhân lên cho 10 năm đi dạy, thành ra mỗi bài giảng, tôi phải “nhai đi nhai lại” ít ra là ba bốn chục lần, không thuộc cũng phải thuộc, không nhớ cũng phải nhớ.

Hôm tôi viết bài về cụ phụ chánh Nguyễn Văn Tường, tôi nhớ ông Nguyễn Hữu Độ là người theo đạo thiên chúa. Vậy là tôi cứ thế mà viết, có nghiên cứu hay xem lại sách cũ, tờ a, tờ b hay trang số mấy gì đâu!

Ai ngờ, nay bị ông Giáo Sư Sử Học “xạc cà-rây”, tôi mới hoảng hồn.

Trong bài viết, tôi chỉ có nói tới ông Nguyễn Hữu Độ, chứ có nói tới ông Nguyễn Trọng Hợp đâu. Tôi nhớ chừng vậy. Và để cầm chắc, tôi lục sách cũ ra tìm xem.

Tôi tìm thấy rõ ràng trong sách của ông Vũ Ngự Chiêu, có nói ông Nguyễn Trọng Hợp là người theo đạo Thiên Chúa. Còn ông Nguyễn Hữu Độ ở Huế ai chẳng biết ông là người theo đạo, theo Tây và là người hãm hại đại thần Phan Đình Bính vì tranh chức nhau.

Tìm được rồi, mừng quá! Tôi liền e-mail cho ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng bài viết của ông Vũ Ngự Chiêu, có đề nghị thêm, hai ông, một ông là Sử Gia, một ông là Giáo Sư Sử Học, ai đúng ai sai thì tranh luận với nhau, còn tôi, chỉ là một giáo sư dạy môn lịch sử cấp hai, cấp ba, xin đứng ngoài để nghe hai ông tranh luận cho vui, để mở mang kiến thức thêm.

Thế rồi tôi thấy ông Giáo Sư Sử Học… im luôn.

Ba năm trước đây, tôi về Cali thăm đồng hương, có cô Ngọc Quỳnh, con gái ông bà tú Phan mời ra nhà hàng. Mấy anh em Quảng Trị quen biết cứ sợ chừng, tôi và ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng có thể “đụng” nhau về bài viết cụ phụ chánh hay chăng. Biết vậy, tôi chỉ cười. Chuyện viết lách cửa tôi là chuyện… chơi. Có gì mà phải tranh cải với ai cho mất công. Thua hơn mà làm gì?

Nghe tôi nói, anh bạn học cũ hồi đệ Thất ở trường Trung Học Quảng Trị niên khóa 1951-52, tên là Lê Trọng Ấn, cựu hiệu trưởng trường trung học Tây Lộc Huế, nói với tôi:

“Thằng ấy bây giờ làm giáo sư à? Nó học đệ thất với tao ở gian nhà phía trong, mày học đệ Thất ở gian nhà phía ngoài bờ sông. Hồi đó nó tên là Nguyễn Văn Tưởng chớ đâu phải Nguyễn Lý Tưởng.”

Tôi cười, nói đùa với người bạn:

– “Mấy chục năm nay, tao chẳng thấy có mấy người có lý tưởng. Nói hai chữ đó nghe quan trọng quá! Có lẽ sau năm học với mầy, ông ta vào học đệ lục trường Pellerin, ông tìm thấy lý tưởng nơi ông cố đạo Pellerin,“một trong những tên thực dân mặc áo thầy tu” nên mới đổi tên thành Nguyễn Lý Tưởng cũng nên.”

Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng, tuy rầy rà tôi như vậy, nhưng đọc đoạn sử ông viết mà tôi trích dẫn ở trên, tôi thấy ông hình như xa trường học đã lâu ngày nên quên mất bài học cũ, quên “phương pháp sử”, bài dạy của ông linh mục Nguyễn Phương, (cha “linh hướng” của hoa khôi Nguyễn Thị Vĩnh Th.), không ít sai lầm, viết sai, thiếu trung thực và cũng thiệt thà, mà tục ngữ lại nói rằng “Thiệt thà là cha dại”.

Theo tôi biết, ông Nguyễn Lý Tưởng thuộc gia đình cách mạng, hiểu theo nghĩa trước 1945, có người tham gia đảng phái chống thực dân Pháp. Thời ông Ngô Đình Diệm, vì vụ Ba Lòng, gia đình Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng, có người vì theo đảng phái Quốc Gia mà bị hại. Như vậy, có thể ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tuởng không mấy hoan hô tổng thống Diệm. Đó là về khuynh hướng chính trị. Tuy nhiên, về mặt tôn giáo, thì qua một ít tài liệu như bài trên của ông ta, có lẽ vì niềm tin tôn giáo hơi nặng, nên ông có vẻ muốn binh vực cho ông Ngô Đình Thục.

Đối với người Huế, cho tới bây giờ, không ít người vẫn còn thương ông Ngô Đình Diệm. Chẳng qua, vì cả nể anh em, mà ông Ngô Đình Diệm bị hại. Ông bị hại là vì anh em ông. Người ta cho là như thế!

Cụ Võ Như Nguyện, một đại công thần nhà Ngô, đã rời xa anh em nhà Ngô khi gia đình nầy mang tiếng độc tài, gia đình trị. Theo cụ Võ Như Nguyện kể lại, năm 1963, khi tình trạng chính trị miền Nam quá bết bát, cụ Võ Như Nguyện, nhân một dịp ông Diệm về Huế, đến gặp “cụ Ngô” bày tỏ những việc đáng than phiền.

“Cụ” Ngô trả lời cụ Võ Như Nguyện như sau (nguyên văn):

“Đức cha cũng có cái sai, thím Nhu cũng có cái sai, để rồi “đức cha”, thím Nhu sẽ lần lần sửa chữa. Làm mạnh ra, sợ thiên hạ ngưòi ta sẽ chê cười “bì oa trữ nhục”.

Ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng là học trò – có thể là học trò cưng – của cụ Nguyện. Mới đây, khi cụ Nguyện từ Pháp qua Nam Cali, ông Tưởng có đến thăm thầy dạy cũ. Tôi hy vọng ông Tưởng có biết câu chuyện nầy.

Biết như vậy mà ông Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng không biết “cái sai” của “đức cha” mà “cụ” Ngô nói hay sao?

Theo tôi, “đức cha” chỉ có một cái sai duy nhứt nhưng mà lại rất quan trọng. Đó là “đức cha” hiểu sai rằng “dân tộc ở trong giáo hội” chứ không phải “giáo hội ở trong dân tộc” như lời giáo sư Lý Chánh Trung viết trong cuốn “Tìm về dân tộc” vậy.

Cũng xin nói thêm một chuyện nầy!

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ rồi, có lẽ do đâu trên chùa Từ Đàm, một cái đài nhỏ được xây trước cổng đài phát thanh Huế, chỗ ngó ra chân cầu Trường Tiền, bên ngoài vườn hoa là chỗ Phật tử tụ tập hôm bị đàn áp, ngày 8 tháng 5 năm 1963. Đài nầy có ghi tên 7 em nhỏ bị giết hôm đó, để “phong thánh” cho các em.

Đi bộ ngang đó với một người bạn thân, chúng tôi cùng dừng chân lại xem. Xem xong, ông bạn tôi nói: “Gì mà phong thánh! Ghi là đài kỷ niệm việc Phật giáo bị đàn áp là được rồi.”

Tôi cũng nghĩ như người bạn thân.

Hình như phong thánh là cái “mốt tôn giáo” của thời đại ngày nay, cứ ưa thích là phong lên… thánh thần mà thiếu thận trọng.

Ngày xưa, những người có công với dân với nước thì được phong làm thánh, làm thần. Đức Thánh Trần, bà chúa Liễu Hạnh. Thần phải có sắc phong của… vua. Vua là “Thiên tử”, là con Trời, thay Trời mà phong Thần, phong Thánh cho Người, cũng có phần dị đoan.

Vua là… Thiên tử, hay là… con Trời thì cũng chỉ là một cách nói, chớ vua Tầu hay vua ta cũng chỉ là người mà thôi, thậm chí nhiều ông vua mà chữ người không đáng để viết hoa chữ N (Người) nữa.

Tôi nói với người bạn, cách nói thì là đùa, nhưng ý thì thật:

“Tui có thấy ai ở trên trời hiện xuống mà phong thánh, phong thần cho ai đâu. Chẳng qua đều là Người phong thánh cho người cả. Mai mốt tui phong thánh cho anh, không biết có ai bắt tui ra trị tội không?”

Người bạn cũng vừa nói vừa cười:

“Nói như cậu, có khi người ta nọc cậu ra mà đánh vì tội phạm thượng.”

Tôi cải:

– Phạm thượng? Anh nên nhớ “thượng nào đó” mà đánh tui thì “thượng đó” cũng là người. “Trời nắng chang chang người trói người.” (5) Tui chỉ sợ Thiên lôi đánh, nhưng bây giờ thì người ta đã biết không phải Thiên lôi là do Trời sai xuống. Thiên hạ bày đặt ra cả! Thiệt ra, không phải tui không có niềm tin tôn giáo nhưng “Tận tín thư bất như vô thư”. Ông Khổng thì san định Tứ thư, Ngũ kinh. Ông Mạnh là học trò ông Khổng thì lại bảo “Tận tín thư bất như vô thư”. “Thế nà thế lào?” Có phải vậy là đừng hoàn tàn tin vào tứ thư. Kinh Phật, kinh Chúa cũng là thư vậy mà kinh Phật kinh Chúa thì tam sao thất bổn. Ngay chính các đại đệ tử của các ngài cũng giảng sai hay cố ý giảng sai. Họ cố làm cho tín đồ tin họ, có lợi cho họ, cố làm cho tín đồ cuồng tín. Có cuồng tín thì mới có Thập Tự Chinh. Cái đó mới đáng sợ!.

hoànglonghải

[Bài kế: (“Tinh thần Ngô Đình Diệm là cái gì?”)]

______________________

(1) Thời Ngô Đình Diệm, quân đội có hai lực lượng chính. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa là “quân đội chính qui”. Lực lượng Bảo An là “quân đội bán chính qui”, quân đội địa phương. Mỗi tỉnh có một “Tỉnh Đoàn Bảo An” có Tỉnh Đoàn Trưởng chỉ huy, cấp trên là phó tỉnh trưởng nội an. Nếu tỉnh trưởng là quân nhân, ông ta kiêm luôn chức “Tiểu khu trưởng”. Trong trường hợp như Thừa Thiên Huế hồi xảy ra vụ đàn áp ở đài phát thanh Huế năm 1963, ông tỉnh trưởng dân sự Nguyễn Văn Đẳng không làm Tiểu khu trưởng. Chức đó thuộc về ông phó tỉnh trưởng, chức danh thường gọi là “Phó tỉnh trưởng nội an, kiêm tiểu khu khu trưởng.”

Năm 1964, sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ, lực lượng Bảo An không còn. Nha Tổng Giám Đốc Bảo An ở trung ương cũng bị dẹp bỏ. Lực lượng Bảo An được sát nhập vào quân đội, thống thuộc bộ Tổng Tham Mưu, có tên mới là Địa Phương Quân, cũng thuộc quyền chỉ huy của tiểu khu trưởng.

Sĩ quan Bảo An cũng thụ huấn tại trường sĩ quan Thủ Đức (gởi học), nhưng khi thi vào, tiêu chuẩn học vấn, bằng cấp thấp hơn sĩ quan chính qui.

(2) Ông Liên Thành thuộc hệ hoàng tử Cảnh, không làm vua. Anh Duệ là con hoàng tử Cảnh. Bài đế hệ thi của dòng nầy như sau:

Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng

Liên Huy Phát Bội Hương

Linh Nghi Hàm Tốn Thuận

Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang.

Bố ông Liên Thành là cụ Tráng Cử, giáo viên, con của Kỳ ngoại hầu Cường Để. Liên Á, tôi không nhớ con ông Tráng Cử hay Tráng Liệt (anh ông Tráng Cử). Thời Ngô Đình Diệm, Liên Á có tham gia tờ “tuần báo Liên Á”, nhóm thân Nhựt. Tờ báo nầy, dĩ nhiên sống không bao lâu. Liên Á thường đến chuyện trò chơi với tôi năm tôi mới đi dạy. Liên Bằng, khi tôi học khóa sĩ quan Thiết Giáp thì ông mang loon trung úy, dạy tại quân trường nầy. Liên Bằng nói cho biết rằng tôi và anh ấy cùng học trường Quốc Học.

Vì là cháu nội Kỳ Ngoại hầu Cường Để, (ngài lưu vong ở Nhựt, có vợ Nhựt, có một người con trai là đại tá trong quân đội Nhựt), nên mấy ông “họ” Liên nầy thường hay qua lại Nhựt Bổn, theo ngã Hồngkông. Theo đại tá Dương Qg T., giám đốc (cách gọi cũ) nha Cảnh Sát vùng 1, khi ông đi Hồngkông, có gặp một người anh của ông Liên Th. Ông Tiếp nói vì ông Liên Th. có nhờ giúp đỡ nên đã trao cho ông nầy mượn 70 ngàn (tiền VNCH), khi nào về tới Việt Nam, ông Liên Th. sẽ trả lại. Sau đó, ông Liên Th. không giữ lời hứa nên ông T. biên thư đòi nợ.

Theo ông Liên Th. thì tờ giấy nợ đó chính là tờ “đòi hụi chết” của ông T. chớ không có nợ nần chi cả, nên ông Th. khiếu nại với bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Tướng Nguyễn Kh. B. có đem chuyện đó nói với vài người làm ở phủ Tổng Thống. Trong dịp đó, một người tôi quen thân có nói với tướng B. rằng ông Dương Qg T. làm sai. Ý chính của anh ấy là “người Huế bênh người Huế”. Ông T. mất tiền và mất luôn cái ghế giám đốc. Tuy nhiên, không ai nói lại với ông Liên Th. sự kiện nầy, ngay chính những người trong cuộc. Tôi có trách người bạn tôi vì tinh thần địa phương mà bênh như vậy là sai.

Việc nầy tôi chỉ nghe nói lại như thế, trắng đen như thế nào, xin người trong cuộc lên tiếng để ai nấy cùng rõ!

(3) Đào Văn Bình, tác giả “Con người thật của hòa thượng Trí Quang.”

(4) “Phương pháp sử”, là bài giảng của linh mục Nguyễn Phương tại đại học Văn Khoa Huế. Theo tôi biết, linh mục Nguyễn Phương viết bài nầy để chê khéo đại tá Phạm Văn Sơn, sử gia, tác giả cuốn sách nổi tiếng hồi bấy giờ là “Việt Sử Tân Biên” là người viết sử không có phương pháp. Phương pháp đó, cũng tương tự như những gì Giáo Sư Sử Học Nguyễn Lý Tưởng đã lên lớp tôi như tôi trình bày trong bài nầy vậy. Cô Ng. th. V.T., một hoa khôi của Huế, học sinh trường Trung học Đệ nhị cấp Bán Công Huế, cùng quê vơi linh mục Nguyễn Phương, là người “biết rất rõ” ông linh mục ngầy

(5) Nước trong leo lẻo, cá đớp cá

Trời nắng chang chang, người trói người!

(Giai thoại về Cao Bá Quát)

Nguồn: http://www.ubcv.org/?p=1847

Trang Thời Sự