CÂU CHUYỆN HÀNG TUẦN:

JACKO ƠI, SAO CÓ TỬ ĐẠO MÀ KHÔNG CÓ TỬ TÌNH?

Hoàng Nguyên Nhuận

ngày 07 tháng 8, 2009

 

Michael Jackson lặng lẽ trả lại hơi thở cuối cùng cho đời trong giấc ngủ trưa ngày 25-06-2009, sau hơn nửa thế kỷ quậy tưng bừng trong mắt người đời, dưới ánh đèn sân khấu và qua ánh chớp camera. Thần tượng của đám choai choai đói khát ecstasy, cần sa, ma túy, kho vàng lộ thiên của gia đình và những người thân, cần câu cơm áo của những ký giả chuyên tài săn tin vặt, nạn nhân của những lái buôn giải phẩu thẩm mỹ và thuốc an thần thật sự từ bỏ cuộc chơi... Lần này thì thật rồi...?

Michael Jackson, hay với những người ái mộ là Jacko, là Vua Nhạc Pop...bắt đầu bước chân lên đài danh vọng từ lúc còn là một chú bé da đen mũm mỉm bốn tuổi trong ban hạc gia đình Jackson Five, dần dần tách các anh chị đơn độc đi vào ánh đèn vinh quang với những xuất phẩm bán ra hàng triệu triệu bản đẩy chú bé ấy xẹt lên nền trời vinh quang danh vọng để rồi chợt tắt như một cái pháo bông tịt ngòi chìm vào đêm đen. Mãi mãi...

Quán đời rũ mộng tà huy

Gửi buồn vui lại ra về tay không...

Hoàng tôi không nhớ tác giả câu thơ ấy là của ai nhưng mỗi lần nghe có người chết là Hoàng tôi nhớ đến câu thơ đó và chỉ băn khoăn người đó chết mau hay chết chậm?. Nếu chết nhanh thì mừng cho người đó chuyển nghiệp êm ái. Nghe tin Jacko chết, Hoàng tôi cũng ước ao có nén hương lòng tạ tình gửi con người lận đận này nhưng cứ loay hoay không biết bắt đầu từ đâu? Cũng bởi vì cứ mỗi lần tôi tự đặt một số câu hỏi là mỗi lần tôi cảm thấy kẹt. Nhất là câu hỏi... Jacko là vũ công hay ca sĩ hay là cả hai? Jacko có thể nhảy mà không hát hay đứng yên mà hát không? Nếu Jacko vừa nhảy vừa hát như Fred Astaire, Gene Kelly, Dean Martin, Richard Pryor hay thì có thể so tài với Astaire, Kelly, Martin, hay Pryor không? Nếu hát mà không nhúc nhích thì có hơn gì Tino Rossi, Three Tenors hay Charles Aznavour không?

Phải chăng vì chỉ có những tài danh rực sáng khi đã chết như Elvis Presley mới bền lâu trong khi Jacko được đời đãi ngộ khi còn sống cho nên không thoát khỏi định luật sớm nơ tối tàn như số phận những loài hoa đẹp hay sáng loáng như lằn chớp xé trời?

Ngày 26-07-2009 loan tin về cái chết của Michael Jackson, nhật báo The Australian của ông Rupert Murdoch đã đăng một thư độc giả tên john nguyên văn như sau: There are an awful lot of people who seem to forget that this guy was a pedophile [ấu dâm] say’s a lot about the dreadful society we are in.[Không thiếu chi người có vẽ như muốn quên tên này là tên mắc chứng hiếp dâm con nít và từng nói nhiều điều khiếp đảm về xã hội chúng ta đang sống.]

Đáng buồn là tờ The Australian nhắm mắt luận tội người vừa chết mà làm ngơ bản tin của tờ báo đàn anh The Guardian ngày 14-06-2005 loan tin là lúc 2 giờ 12 trưa ngày 13-06-2005 tòa án hạt Santa Maria mạn bắc Los Angeles đã ra phán quyết tha bổng Micheal Jackson tội pedophile! Không thể nói tờ The Australian không biết đến bản tin mà tờ The Guardian cũng như các tờ báo lớn ở Mỹ, các hãng thông tấn quốc tế đã phổ biến. Tờ The Australian và đại tổ hợp News Corps trong đó có Fox News Channel, CNN News Corps của Rupert Murdoch đã nhờ Michel Jackson mà kiếm bao nhiêu lợi? Nhưng dùng lời nhận định cay độc vô danh như tro phân rắc lên xác Michael Jackson làm hoa phúng viếng như thế thì có phải là cách tạ ơn người đã chết không?

Thành công, danh vọng vừa từ bỏ xét cho cùng là sản phẩm của cơn lốc đại đô thị hóa – urbanization, ngự trị bởi cái tầm thường, hai chữ người ta vô thức vô danh và những phương tiện tẩy não, hoán não nhập nhằng của thông tin và quảng cáo. Bàn thờ trong mỗi gia đình là cái tivi và radio. Các ông đạo, các bậc tiên tri là những ký giả truyền thông, những ông bà đọc tin! Địa vị của Walter Cronkite, Larry King, Barbara Walters, Winfrey Oprah, hay David Letterman, ...của NBC, CBS và CNN, hay nói chung của những trùm truyền thông như Murdoch qua News Corps... là những ví dụ...

Không có những bàn thờ, những phù thủy truyền thông đó thì có lẽ Jacko cũng khó leo lên đài vinh quang nhưng không có Jacko thì những ông đạo, bà phù thủy này cũng đói meo hay vô văn phòng xin chức chạy giấy hay vào hãng xưởng xin làm thợ vịn!? Bởi báo đài chỉ sống nhờ quảng cáo, nhưng báo không độc giả, đài không khán giả thì chỉ có ruồi, muỗi, rệp, chuột... kẹt lắm phải xem, nghe. Mà muốn có quảng cáo thì phải có độc, khán giả. Muốn thế thì phải có tin, và không phải là tin xào lại. Cũng bởi vậy, tin không phải là thông tin, infornmation, nhưng là cái mới lạ, news, nouvelles! Không có mấy tin trời ơi đất hỡi của Michael Jackson thay da thay mũi, Susan Boyle, Paris Hilton, Madonna, Jolie Angelina... qua Phi châu xin con nuôi thì ai ngu gì tốn công bật tivi, radio làm gì, dù là bằng remote control!?

Tóm lại, nếu Jacko đã nhờ truyền thông mà thành danh thì media cũng nhờ Jacko mà kiếm tiền. Chỉ có những kẻ ngất ngơ không muốn mang tiếng cù lần lửa nhắm mắt cho thiên hạ tẩy não, hoán não là tội nghiệp thôi.

Hoàng tôi nhớ lại những gì đã làm mình rung động khi xem album Thriller của Jacko: thân phận da đen nô lệ đầy ắp năng lực trên đà bị khoa học kỹ thuật đẩy qua bên lề!

Người da đen đã được nhập cảng, và có khi là nhập cảng lậu, vào nước Mỹ để thay thế cho phận ngựa kéo bò cày...Thân phận đó đang ngày bị kỹ thuật và điện khí thay thế, đẩy người da đen đến chỗ có muốn làm nô lệ thì cũng không có việc cho mà làm. Công việc ngựa kéo bò cày gia nhân tôi đòi của người da đen dần dần bị máy cày bừa, máy bơm nước, máy gieo, máy gặt, máy sấy, máy xay, máy đóng bao bì, máy trộn bột, máy nướng...

chưa kể máy rửa chén bát, máy hút bụi, máy giặt, máy sấy...dần dần thay thế hết! Chỉ còn sắc đẹp và tính dục...

Nhưng sắc đẹp thì xưa nay nước Mỹ sản xuất được bao nhiêu hoa hậu và minh tinh da đen?! Hấp lực của tính dục thì chỉ cần nhớ lại những tác phẩm của John Steinbeck, nhất là Of Mice and Men [1937] để hiểu người đàn ông da trắng đã nhìn phụ nữ da đen như thế nào... Phải chăng đây là điều giải thích tại sao trong các phim ba gåch chéo diễn viên chính da đen lại hiếm?

Người da đen hụt hẫng quay về nội tâm và giải tỏa năng lực ứ tràn của phận tôi đòi nô lệ, gởi gấm tấc lòng qua tiếng hát lời ca và điệu nhảy... Nếu còn nhớ lại những phim như West Side Story [1957], Grease [1978] hay Dirty Dancing [1987], hẳn người ta có thể thấy sự xuất hiện của Michael Jackson là điều đã được dự báo trước... cũng như hé cho thấy tấc lòng hẫng hụt của một người nô lệ dang thừa ‘đôi tay dư làn môi ‘ như Trịnh công Sơn đã một lần thở than.

Tấc lòng ấy đã hiển hiện qua tiếng hát của Harry Belafonte trong bản Banana Boat Song, hay lời bản nhạc nền của phim Black Orpheus, hay tiếng hát của bà vú già da đen nức nở hát Summertime để chiêu niệm linh hồn Elizabeth Taylor trong Mirage de la Vie [có ai nhớ tựa đề phim bằng tiếng Anh, xin nhắc...?] Hình như tiếng hát não lòng đó là của bà Ella Fitzgerald, Hoàng tôi không chắc nhưng lời thì nhớ mãi...

One of these mornings

You’re goin’ to rise up and singing

Then you’l spread your wings

and you’l take the sky.

Tâm trạng não nề và tấc lòng ấy hình như đã nhập vào đôi mắt và lòng đam mê tẩy da mặt, thay mớ tóc quăn cố hữu bằng sống mũi lép cao và mái tóc Tarzan tiêu biểu của người da trắng!

Người da đen đã giải tỏa những ẩn ức tâm tư và dồn nén năng lực qua lời ca và vũ điệu. Nhưng một lần nữa, những vũ điệu ấy cũng phản ảnh rõ thân phận của người da đen mà thôi. Thật vậy, Valse, Tango, Slow, Boston...là những vũ điệu thông thường của người Tây phương. Nhưng làm thế nào mà một nô lệ da đen có thể ôm ghì một bà chủ, hay con gái bà chủ, hay bạn bà chủ mùi mẩm trong điệu Slow hay đảo điên quay cuồng trong điệu Tango hay Valse?!

Cho nên người da đen cũng nhảy nhưng không giao tiếp, không va chạm, không cầm tay,

nói gì đến ôm ghì... Phải chăng đó là nguyên ủy của Be Bop, Cha Cha Cha, Rock, Swing...? Tha hồ dựt, tha hồ múa may quay cuồng miễn đừng va chạm thân xác thì thôi! Michael Jackson có làm gì hơn những lúc vừa hát vừa dựt không?

Càng dựt càng ăn khách, càng nhố nhăng càng được hoan hô, càng hát những bài bình dân, dễ nhớ càng được hưởng ứng bởi đa phần kẻ ái mộ Jacko, King of Pop là thành phần thuộc lứa tuổi choai choai bất cần ngày mai đang được những tay phù thủy truyền thông như Rupert Murdoch và đại tổ hợp News Corporations nuôi dưỡng và duy trì bằng những trò tẩy não hoán não tinh vi ma quái.

Khỏi nói thì cái chiến dịch rầm rộ hốt bạc lần chót bằng cái chết và tang lễ dành cho Michael Jackson thế nào cũng kích động những cậu những cô choai choai đi theo Jacko, King of Pop cho trọn nghĩa nghệ thuật...

Chuyện đó đã xảy ra chưa? và dư luận của những người còn chút lương tri lý trí có nhắm mắt cho những tay phù thủy truyền thông khai thác như họ đã khai thác Michael Jackson cho đến khi Anh đi vào mộ phần không? Nhưng có thật Micheal Jackson đã thật sự đi vào mộ phần lãng quên?

Hoàng tôi vừa được người bạn chuyển cho nghe một bản nhạc hình như Michael Jackson trình bày mươi năm qua. Nghe xong mà giật mình và cảm thấy mắt cay cay. Quê thật! Bài hát của Michael Jackson gợi Hoàng tôi nhớ đến hau câu thơ trích ở đầu hay bài Candle in the Wind trong lễ chiêu niệm tài danh bạc mệnh Marilyn Monroe hay Công Nương sầu muộn Diana...

Hoàng tôi ngậm ngùi nghĩ rằng hình như Michael Jackson đã làm một requiem cho chính mình...?

GONE TOO SOON

Like the comet

Blazing ‘cross the evening sky

Gone Too Soon

Like a rainbow

Fading in the twinkling of an eye

Gone Too Soon

Shiny nd sparkly

Spendidly bright here one day

Gone Too Soon

Like the loss of sunlight

On a cloudy afternoon

Gone Too Soon

Like a castle build upon a sandy beach

Gone Too Soon

Like a perfect sunday flower

That is just beyond your reach

Gone Too Soon

Born to amuse, to inspire, to deltght

Here one day

Gone one night

Like a sunset

Dyin with the rising moon

Gone Too Soon

Gone Too Soon

Chìm Khuất Vội Vàng

Như một vì sao băng

Loé sáng trong trời chạng vạng

Chìm khuất vội vàng.

Như cái cầu vồng

Nhạt nhòa trong nháy mắt

Chìm khuất vội vàng.

Lấp lánh chói loè

Tuyệt vời tỏa rạng trong ngày

Chìm khuất trong đêm

Như một tia nắng quái trong trời chiều vần vũ mây,

Chìm khuất vội vàng.

Như một lâu đài xây trên bờ cát

Chìm khuất vội vàng

Như một lẳng hoa tuyệt vời ngày chủ nhật

Ngoài tầm tay

Chìm khuất vội vàng.

Sinh ra để làm cho đời vui, để gợi hứng, để gây kinh ngạc kỳ thú,

Ngày vừa còn đây

Đêm đã chìm khuất.

Như hoàng hôn

Lịm tắt vào ánh trăng lên

Chìm khuất vội vàng

Chìm khuất vội vàng

Malherbe [1555-1628] đã khóc người yêu bằng những lời thơ bất hũ: Et rose elle a vécu ce que vivent les roses/ L’espace d’un matin. [Là hoa hồng nàng đã sống như hoa hồng, khoảnh khắc một sớm mai], Beethoven đã tỉ tê khóc người bạn gái vắn số bằng bài Fur Elize, Romeo khóc Juliet trước khi kề môi nút những giọt thuốc độc còn đọng trên môi người yêu để cùng gặp nhau nơi cõi hẹn không tên, nhưng còn ai khóc Malherbe, Beethoven, Romeo?

Hoàng tôi rất lơ mơ là trong thơ văn Việt, hình như ngoài Nguyễn Du thở than về số phần Kiều và Đạm Tiên, thường ít có bài hay như Malherbe, Beethoven hay chính Gone Too Soon của Micheal Jackson? Trừ bài thơ của Anh Ngọc chỉ ca tụng cuộc tình Mỵ Châu -Trọng Thủy, hai nạn nhân của một trò chơi chính trị tang thương như Romeo Juliet với những câu như:

Lông ngỗng lông ngan rơi trắng đường chạy nạn

Những chiếc lông không tự biết giấu mình.

Nước mắt thành mặt trái của lòng tin

Tình yêu đến cùng đường là cái chết

Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp

Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu.

Giá như trên đời còn có một Mỵ Châu

Vừa say đắm yêu đương vừa luôn luôn cảnh giác

Không sơ hở, chẳng mắc lừa mẹo giặc

Một Mỵ Châu như ta vẫn hằng mơ.

Thì hẳn Mỵ Châu không sống đến bây giờ

Để chung thủy với tình yêu hai ngàn năm có lẻ

Như anh với em dẫu yêu nhau chung thủy

Đến bạc đầu bất quá chỉ trăm năm.

Nên chúng ta dù rất đỗi đau lòng

Vẫn không thể cứu Mỵ Châu khỏi chết

Lũ trai biển sẽ thay người nuôi tiếp

Giữa lòng mình viên ngọc của tình yêu.

Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu

Bởi cụt đầu nên tượng càng rất sống

Cái đầu cụt gợi nhớ dòng máu nóng

Hai ngàn năm dưới đá vẫn tuôn trào.

Anh cũng như em muốn nhắc Mỵ Châu

Đời còn giặc xin đừng quên cảnh giác

Nhưng nhắc sao được người hai ngàn năm trước

Nên em ơi ta đành tự nhắc mình.

Bài thơ này không biết bài thơ này viết từ năm nào đã được in lại trong tuyển tập 100 Bài Thơ Tình Chọn Lọc, do nhà xuất bản Giáo Dục in năm 1993.

Thành quách bị tràn ngập, vua cha bôn đào và chỉ đem theo con gái. Nhưng càng chạy địch càng đưổi theo vì trước lúc đánh cắp được bí mật quân sự đem về cho vua cha. Trư ớc khi chia tay Trọng Thũy đã ngầm giao kết với người yêu chạy đường nào thì nhớ dùng lông chim đan áo làm dấu đường đi. Đó là lý do tại sao cha con Mỵ Châu không thể đánh lạc hướng địch đuổi theo. Khám phá ra sự thật đó, vua cha giận quá giết co gái... Mỵ Châu chết vì yêu Trọng Thủy và tin lời người yêu và tạo nên một thiên tình sử đẹp nhất trong lịch sữ và văn học Việt.

Nhưng Mỵ Châu đẹp vì Mỵ Châu mất đầu, hay Mỵ Châu mất đầu nên Mỵ Châu đẹp? Câu hỏi đó, Anh Ngọc để cho người đọc tự đặt ra và trả lời lấy, nhưng chính tác giả thì tác giả đã trả lời rồi. Tình yêu đắn đo tính toán cảnh giác chỉ là thường tình, /bất quá chỉ trăm năm/, không phải là tình yêu vĩnh cửu.

Nhưng tình yêu vĩnh cữu vĩ đại với tình yêu tầm thường so đo toan tính khác nhau chỗ nào? Và thế nào là đẹp?

Đẹp là mắt đẹp, là môi đẹp, là tóc đẹp? Hay là cả khuôn mặt như Văn Cao kiss and tell:

Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng

Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng.

hay là cả toàn thân đẹp như Hàn Mặc Tử tá hỏa tam tinh trộm hay mơ nhìn thấy:

Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Vô tình để gió hôn lên má

Bẽn lẽn làm sao, lúc nửa đêm?

Và dù có trả lời được như Văn Cao hay Hàn Mặc Tử thì câu hỏi hình như vẫn chưa chưa chắc là đã hết hẳn?...Sắc đẹp ấy là của ai vậy? Nỗi bi đát của tình yêu là người ta không mấy khi nhìn đối tượng qua lăng kính khoảnh khắc tuyệt đối mà chỉ nhìn qua thước đo tương đối:

Cô gái ấy đẹp sao giống em đến vậy

Và chàng trai run rẩy giống anh sao?

(Nguyễn Trọng Tạo - Cỏ Xanh Đêm Trước)

cho nên không sống được trọn vẹn với phút giây hiện tại trong lòng tin vào một tình yêu luôn luôn đổi mới:

Sự thật ngày nay không thật đến ngày mai...

Thì ân ái có bao giờ lại cũ?

(Xuân Diệu - Phải Nói).

Hậu quả là:

Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng,

Em là em; anh vẫn cứ là anh

(Xuân Diệu - Xa Cách).

Vì nghi ngờ mình và nghi ngờ người mình yêu, bởi không tin vào những phút giây phù du mà thiên thu nên người ta đã tìm cách thiên thu hóa cái phù du bằng tuyên thệ khấn hứa mà quên rằng thề thốt nói cho cùng cũng chỉ là một hứa hẹn phản bội:

Ai nói trước lòng anh không phản trắc,

Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ?

(Xuân Diệu - Giục Giã)

Xuân Diệu, nhà thơ trữ tình số một của văn chương Việt Nam từ khi người Việt biết viết chữ cho đến bây giờ mà còn nói vậy rồi thì còn gì nữa đây?

Nhưng dù hiểu tình yêu theo nghĩa nào chăng nữa thì hình như cho đến khi từ giã thế nhân Michael Jackson đã không biết tình yêu là gì?! Đấy là linh cảm làm cho Hoàng rùng mình khi nghe Jacko hát Gone Too Soon.

Jacko đã sống và chết như một vì sao băng, như cái mống cầu vồng lấp lánh xa xa, như một lâu đài cô tịch trên bờ biển, như một chùm hoa thơm không người đoái tưởng, như một hoàng hôn khi trăng lên...

Hoàng tôi bùi ngùi liên tưởng đến nỗi niềm cô độc của Narcissus, đền cuộc tình chung thủy vô vọng của Orpheus và Eurydice, của Trầu Cau, Vọng Phu...Hay đôi khi của Cervantès...

Người ta thường ca tụng và nhắc đến TỬ ĐẠO, sao không ai nhắc đến TỬ TÌNH.

Tại sao vậy nhỉ?

Hoàng Nguyên Nhuận



Những Câu Chuyện Cuối Tuần