CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

DỞ HƠI !!!

Huỳnh Bất Hoặc

01 tháng 2, 2008

Du khách đến Paris hay người dân Pháp có dịp thăm thủ đô nước mình thì đều nghĩ đến Bảo Tàng Viện Louvres. Bởi Louvres là một kho tàng gìn giữ bao nhiêu gia tài văn hóa nghệ thuật, không những của Pháp mà cả của Âu châu và thế giới, nhất là thế giới từng nếm mùi thực dân Pháp.

Bước vào cổng chính Louvres là đụng đầu ngay với hình ảnh người thiếu phụ trung niên cười mím chi với tựa đề La Joconde hay La Gioconda của Da Vinci hoàn thành cách nay 505 năm. La Joconde là vật trấn bảo của Louvres, là niềm tự hào của Pháp. Ai đã được nhìn một lần là bị hớp hổn ngay.

Bất Hoặc tôi cung Thiên Mã Thiên Di ngộ Tuần Triệt không đến được Paris nên không được chiêm ngưỡng dung nhan kẻ mà thế nhân thường gọi khơi khơi là Mona Lisa đã được nổi tiếng với bản nhạc cùng tên do một danh ca Mỹ hát.

Nụ cười bí ẩn của người trong tranh là một nghi vấn, một thách thức khiến người nhìn phải rờn rợn, khựng lại như đang đi đêm cảm thấy ma vậy.

Kẻ ghi lại được một cách tài tình nụ cười bí hiểm ấy là Da Vinci, người Italia và ông đề tựa cho tác phẩm bất hủ của mình là La Gioconda, có nghĩa là một phụ nữ giàu có vui vẻ.

Tại sao bức tranh đó lại nằm trong một bảo tàng viện của Pháp, tự bao giờ? Không thấy tài liệu nào nói đến. Nhưng quan trọng nhất là câu hỏi người đàn bà với nửa nụ cười thách thức bí ẩn đó là ai?

Câu hỏi đã làm chảy không biết bao nhiêu mực. Thiếu phụ trong tranh có phải là người yêu hay là mẹ của tác giả, bởi họa sĩ thường dùng những người thân làm mẩu?

Có người còn đi xa hơn cho rằng La Gioconda là một tự họa. Chẳng có người đẹp nào làm mẩu cả. Da Vinci buồn tình tự vẽ mình đấy thôi!

Những chào xáo luận bàn vớ vẩn ấy có lẽ đã tạm lắng với bản tin quốc tế của hãng thông tấn quốc tế rất có uy thế truyền thông là Reuters.

Trong bản tin ngày 14/1/2008 hãng này đăng tin với hàng tít:Who Was Mona Lisa? cho biết đại học Heidelberg bên Đức đã có đủ tài liệu để kết luận người mẩu trong chân dung nổi tiếng La Gioconda của Da Vinci là của vợ đại thương gia Francesco del Giocondo ở tỉnh Florence bên Italia! Các chuyên viên chiết tự của đại học danh tiếng này còn cho biết nhũ danh của người trong tranh là Lisa Gherardini.

Nhân tiện Reuters cũng nhắc lại là năm ngoái, nhà danh họa Da Vinci đã nổi đình nổi đám với phim và quyển sách Da Vinci Code của Dan Brown với chủ đề xoay quanh bức tranh The Last Supper thường được gọi là Buổi Tiệc Ly. Hình như cũng đang được trưng bày tại Louvres.

Cuốn phim và quyển tiểu thuyết này đúng là một quả lựu đạn nổ giữa đàn magpie, tiếng Việt tạm dịch là quạ khoan, không biết có chỉnh không? Ai có tiếng gì chỉnh hơn xin chỉ cho.

Hú hồn hú vía cho Dan Brown sống trong thời đại mà ai ai đến tuổi thành niên đều được cấp môn bài đàng hoàng để nghĩ gì nói nấy, ưng gì nói nấy.

Môn bài thiêng liêng đó là Hiến Pháp Mỹ kèm thên Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.

Ưng nói bậy cứ tha hồ nhưng xui xẻo thì chịu khó trả lời với ông tòa bà tòa về tội vu khống mạ lỵ. Trả lời không được thì đi tù hay bán nhà bán xe mà phạt vạ bồi thường!

Nếu không đầu thai vào thời đại dân chủ nhân quyền này thì Dan Brown dám bị barbecue trên dàn hỏa như Linh Mục dòng Phước Sơn Giordano Bruno [1548-1600] ngứa miệng ham ăn nói tự do ngày xưa lắm!? Ông nhà tu này quên mất ngoài trời còn có trời, nên hay nói bậy viết bậy. Đến khi bề trên đòi nói ngược lại thì ngoan cố không chịu sám hối sửa sai nên bị đóng cột vào hậu môn trồng ngược chất củi quanh đốt như kiểu dân nhậu miền Tây nướng trui cá lóc vậy…

Giả thuyết La Giocondo là một tự họa quả thực là của một người anh em thân của Bất Hoặc tôi. Hắn cũng chính là tác giả của bức điêu khắc bán thân bằng gỗ long não mà Bất Hoặc tôi đang chưng trong phòng khách với cái tên Người Đẹp Cụt Đầu.

Có người thấy bức điêu khắc hơi kỳ kỳ nên hỏi: Sao người đẹp không đầu vậy?

Bất Hoặc tôi thường cà khịa: Không đầu thì mới đẹp chứ!

Thật vậy, nói đến đẹp là nói đến gương mặt. Có ai dám nói Chung Vô Diệm đẹp trước khi bà đổi lốt?

Nhưng có mặt, có đầu có chắc là đẹp không? So sánh bức La Gioconda của Da Vinci với những pho tượng vệ nữ mất đầu, như pho Venus de Milan của tác giả vô danh chẳng hạn, có lẽ người ta sẽ tự hỏi người đẹp không đầu và người đẹp có đầu, ai đẹp hơn ai?

La Gioconda của da Vinci nổi tiếng, nhưng không ai cho người đàn bà trong tranh là đẹp cả. Cái làm cho bức tranh này nổi tiếng là nụ cười của người trong tranh, nụ cười làm cho người nhìn phải nín thở, cảm thấy lồng ngực bị đè nặng, phát mệt. Pho tượng Venus mất đầu thì lại khác. Nhìn những pho tượng đó, người ta có thể tưởng tượng ra trăm ngàn người đẹp. Và trước tiên dĩ nhiên là người đẹp của chính người đang ngắm tượng, hoặc người đẹp mà người xem tượng đang ước mơ hay thương thầm nhớ trộm.

Người đẹp không đầu, không mặt nên ai cũng có thể nghĩ người đó là của mình, hay giống như người của mình. Ý nghĩ lang bang ấy thường bị lên án là ngoại tình, phản bội, bất trung.

Ai c ũng thích đẹp nhưng đố ai nói được đẹp là gì. Đẹp là mắt đẹp, là môi đẹp, là tóc đẹp? Hay là cả khuôn mặt như Văn Cao bảo: /Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng/ Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng./ hay là cả toàn thân đẹp như Hàn Mặc Tử nhìn thấy: /Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe./ Vô tình để gió hôn lên má/ Bẽn lẽn làm sao, lúc nửa đêm/?

Nhưng sắc đẹp ấy là của ai vậy? Nỗi bi đát của tình yêu là người ta không mấy khi nhìn đối tượng qua lăng kính khoảnh khắc tuyệt đối mà chỉ nhìn qua thước đo tương đối: /cô gái ấy đẹp sao giống em đến vậy/ và chàng trai run rẩy giống anh sao?/ (Nguyễn trọng Tạo - Cỏ Xanh Đêm Trước) cho nên không sống được trọn vẹn với phút giây hiện tại trong lòng tin vào một tình yêu luôn luôn đổi mới: /Sự thật ngày nay không thật đến ngày mai.../ Thì ân ái có bao giờ lại cũ?/ (Xuân Diệu - Phải Nói). Hậu quả là: /Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng,/ Em là em; anh vẫn cứ là anh./ (Xuân Diệu - Xa Cách).

Vì nghi ngờ mình và nghi ngờ người mình yêu, bởi không tin vào những phút giây phù du mà thiên thu nên người ta đã tìm cách thiên thu hóa cái phù du bằng tuyên thệ khấn hứa mà quên rằng thề thốt nói cho cùng cũng chỉ là một hứa hẹn phản bội:/Ai nói trước lòng anh không phản trắc,/ Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ?/(Xuân Diệu - Giục Giã).

Người thường tin vào những tiêu chuẩn đẹp. Nhưng tiêu chuẩn là đo lường, là so sánh, là gọi tên, nghĩa là có giới hạn. Nghĩa là hết đẹp! Cái làm mấy ông liên tưởng hoảng là nét mặt. Nhưng vì nét mặt mà liên tưởng lung tung thì coi chừng.

Trong bài thơ Những Phút Xao Lòng,Thuận Hữu đã nói một câu chí lý dù các đấng liền ông ít khi dám công khai thú nhận: /Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ/ Nhưng để tâm trí lợn cợn vì những phút xao lòng ấy thì nhiều khi cũng bất tiên lắm. Gặp người đẹp mà mà tán loạn cào cào: Em ơi, em đẹp quá! Em đẹp giống Brigitte Bardot, Zeta-Jones hay…Catherine Deneuve hay… Cũng Lợi, Ngọc Minh, Phương Hoài Tâm…dzậy thì coi chừng có ngày không vêu mỏ thì cũng phù mỏ cho mà xem!

Bất Hoặc tôi rất khoái bài thơ Mỵ Châu 26 câu của Anh Ngọc. Một bài thơ đáng được giải Nobel văn chương, ca tụng cuộc tình Mỵ Châu-Trọng Thủy, hai nạn nhân của một trò chơi chính trị tang thương. Mấy chục câu thơ đó Bất Hoặc tôi còn nhớ loam oam thế này:

Lông ngỗng lông ngan rơi trắng đường chạy nạn

Những chiếc lông không tự biết giấu mình.

Nước mắt thành mặt trái của lòng tin

Tình yêu đến cùng đường là cái chết

Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp

Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu.

Giá như trên đời còn có một Mỵ Châu

Vừa say đắm yêu đương vừa luôn luôn cảnh giác

Không sơ hở, chẳng mắc lừa mẹo giặc

Một Mỵ Châu như ta vẫn hằng mơ.

Thì hẳn Mỵ Châu không sống đến bây giờ

Để chung thủy với tình yêu hai ngàn năm có lẻ

Như anh với em dẫu yêu nhau chung thủy

Đến bạc đầu bất quá chỉ trăm năm.

Nên chúng ta dù rất đỗi đau lòng

Vẫn không thể cứu Mỵ Châu khỏi chết

Lũ trai biển sẽ thay người nuôi tiếp

Giữa lòng mình viên ngọc của tình yêu.

Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu

Bởi cụt đầu nên tượng càng rất sống

Cái đầu cụt gợi nhớ dòng máu nóng

Hai ngàn năm dưới đá vẫn tuôn trào.

Mỵ Châu đẹp vì Mỵ Châu mất đầu, hay Mỵ Châu mất đầu nên Mỵ Châu đẹp?

Tình yêu đắn đo tính toán cảnh giác chỉ là thường tình, 'bất quá chỉ trăm năm', không phải là tình yêu vĩnh cửu. Nhưng tình yêu vĩnh cữu vĩ đại với tình yêu tầm thường so đo toan tính khác nhau chỗ nào? Đó là câu hỏi chết người.

Chết người bởi vì không ai giải thích được thế nào là yêu thương, không ai định nghĩa được thế nào là đẹp. Vì không biết lấy tiêu chuẩn khuôn thước nào để định nghĩa yêu thương, để xác định đẹp cho nên người ta phải bám vào một giả định nào đó.

Bình thường, Mỵ Châu yêu Trọng Thủy đến chết như vậy có phải là tình yêu chân thật không? Tình yêu một chiều có phải là tình yêu không? Hay nói như Anh Ngọc: /Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu./?

Đó lại cũng là một câu hỏi chết người nữa. Bởi xét cho cùng, Mỵ Châu chỉ trung thành với tình yêu của chính mình chứ không cần biết Trọng Thủy có trung thành với mình không!

Có đúng vậy không?

Huỳnh Bất Hoặc



Những Câu Chuyện Cuối Tuần

Trang Hoàng Nguyên Nhuận