CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

BÍ QUYẾT TRƯỜNG THỌ

Huỳnh Bất Hoặc

05 tháng 01, 2008

 

2008 - Năm mới, Bất Hoặc tôi sẽ cố nói chuyện vui cái coi!

Wow! Phew! Đã qua cái dịch thiệp mừng. Anh chúc tui! Tui chúc anh! Thế là mình có chúc nhau rồi. Huề nghe.

Hàng năm đến mùa này, nhận cái thiệp mà lờ đi không hồi đáp xem ra kỳ kỳ quê quê làm sao. Đã không vui mừng mà  nhiều khi còn rũa thầm Mẹ kiếp! Phải chi mình bị quên thì đỡ biết mấy!

Thiệp xuân giống và khác thiệp đám cưới là chỗ đó. Nhận được cái thiệp cưới thì cứ như nhận được lệnh nhập ngũ hay trình diện học tập! Cho nên nghe chuyện đám cưới thì cứ lâm râm lạy trời cho mình được quên là mừng hết lớn! Thế nhưng nếu gia chủ quên thật thì lại buồn vì nghĩ thiên hạ bửa nay hình như đã bỏ xó mình rồi!?

Thiệp xuân mà bị quên là mừng rơn khỏi cần băn khoăn thắc mắc! Bởi nói cho cùng, thiệp xuân chỉ là một hình thức giao tế lỉnh kỉnh bất đắc dĩ chỉ có lợi cho những con buôn, tạo việc theo mùa cho mấy nhân viên bưu điện và mấy người phu quét đường đổ rác phù động kiếm thêm chút cháo giờ phụ trội!

Đa số thiệp xuân trông lạc điệu và trái cựa... Trời nóng muốn khùng ai mà chẳng nực khi thấy một ông già trông còn trai tráng đeo kính lão râu tóc xồm xoàm bạch kim ăn mặc cầu kỳ đỏ rực trông như quấn năm bảy cái mền điện hay áo trấn thủ màu đỏ giữa vùng tuyết trắng trong ngày mùa hạ có thể lên đến 40 độ C!   

Khổ chủ nhận được thiệp xuân liền ba chân bốn cẳng kiếm cái thiệp tương tự ký tên gửi đi cho khuất mắt, nhiều khi chẳng biết cái thiệp nói gì.

Bất Hoặc tôi nhiều khi ân hận thấy lối thù đáp ân tình của mình lạnh lùng máy móc quá cho nên tiếp cái câu chúc khách sáo một năm mới an lành và sức khoẻ, tôi thường thêm ...và thắng lợi nữa, trường hợp bạn mê kéo máy, ghiền mùi casino hay thích đua chó, đua ngựa!  

Có xạo chút đỉnh cũng chẳng sao...Đời mà, gian dối là cách ở đời mà.

Không xạo là ngớ ngẩn, không gian dối là mau chết, không thích cười mà cười, không mủi lòng ứa lệ mà phải khóc là sớm ngủm, làm khách hàng cho Tobia hay Vạn Thọ.....

Cười khóc đây là cười khóc cực chẳng đã, bất đắc dĩ chứ không phả cười khóc có nghề như những đào thương Phùng Há mà cười khóc là nghề, cười khóc ra bạc cắc, càng giỏi khóc, tài cười càng mát da mát da mát thịt...Xin đừng lầm nụ cười của Phùng Há với nụ cười của Hoạn Thư. Cười kiểu Phùng Há càng thọ, kiểu bất đắc dĩ Hoạn Thư càng mau chết!     

Thật vậy, bên Đức các hãng bảo hiểm nhân thọ hình như là rất kỵ những kẻ phải làm cái nghề bực bỏ mẹ nhưng phải cố rặn cho ra nụ cười như mấy tiếp viên hàng không, nhân viên giao tế các quầy hàng siêu thị, nhân viên bộ xã hội, thiện nguyện...như ở đây các hãng bảo hiểm kỵ nhận bảo hiểm cho người có thành tích hút thuốc hay bệnh tiểu đường vậy. Sự thể chỉ vì nhận bảo hiểm cho loại người này thì trước sau cũng phải bồi thường mệt nghỉ! Và đó là kết luận khoa học rõ ràng chứ không tính toán đoán già đoán non gì cả. Tờ The Sydney Morning Herald ngày 21/03/2006 ghi lại ý kiến của giáo sư Dieter Zapf của đại học Frankfurt bên Đức chuyên nghiên cứu về cảm xúc nhân sinh thì đa số những người làm nghề giao tế cực chẳng đã kể trên đều là nạn nhân của hiện tượng điên cha cái đầu, bực muốn hét lên, căng thẳng bức xúc, trước sau cũng mắc bệnh tim hay giảm thọ.

Nghe nói, bên Nhật có nghê làm dâu giả, rể giả rất thịnh hành lại kiếm bộn bạc. Sự thể chỉ vì con cháu đi làm đi học cả không ai trông nom cha mẹ già để họ ở nhà ru rú, thiếu người để xạo, thiếu dịp để gáy, để gian dối, nên các cụ dễ mắc bệnh điên, bệnh cà tửng.... thành ra con cháu phải thuê người giả làm dâu, làm rể, làm con cháu... cho các cụ cho chỗ đổ rác xả xú bắp!   

Một tờ báo bên Anh, tờ The Independent ngày 15/01/2006, dựa vào các sự kiện thường thấy trong đời sống hằng ngày cũng như các nghiên cứu tâm lý của các đại học Massachusetts hay Virginia bên Mỹ để kết luận rằng cái tính hay quên mình là ai, hay thêm mắm thêm muối hay xạo chút chơi là nết, là tính của con người. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Cái nết đánh chết không chừa. Cho nên đã nói là có ca vi vút, đã nói là có đấu hót, có gian dối. Tự nhiên như ve kêu, chim hót vậy mà.....

Gian dối lưu thông trong trong tâm hồn người ta như máu trong huyết quản, như không khí trong buồng phổi. Các chuyên viên tâm lý của các đại học kể trên còn trưng bằng chứng cho thấy trung bình cứ 10 phút trò chuyện, người ta nói dối 3 lần..... rằng trong một câu chuyện trao đổi quá lắm là 10 phút thì đàn ông cũng như đàn bà đến nửa chừng câu chuyện thế nào cũng nói dối và trong một tuần thôi, cứ 1 trong 3 người thế nào cũng có người đã nói không thật trong các cuộc trò chuyện vô thưởng vô phạt với kẻ khác. Xin đọc nguyên văn kể khỏi nghĩ oan Bất Hoặc tôi...phịa: One study from the University of Massachusetts showed that people on average told three lies in every 10 minutes of conversation. Another research project, from the University of Virginia, revealed that men and women lie in a fifth of their social exchanges that last 10 minutes or more, while in a single week individuals deceive nearly a third of people they speak to during one-on-one chats.- The Independent, 15 January 2006.

Tóm lại, không biết xạo, không biết thêm mắm thêm muối, thêm nhân vẽ râu thì mới là lạ, là bất bình thường. Cho nên, xạo được cứ xạo, phịa được cứ phịa, ca được cứ ca, dối được cứ dối... Cũng như người ta thay áo quần, thay bít tất.

Mấy thứ đó thỉnh thoảng người ta vẫn thay thì tại sao lại không thể thay đổi nhân cách, thay đổi cái tôi thật  cho...đỡ buồn?

Thay đổi cái tôi thật, thay đổi nhân cách là xạo, là gian dối...xét cho cùng cũng tự nhiên như người ta thay áo quần vậy. Chồng có nhân cách của chồng, vợ có nhân cách của vợ, nhà tu có nhân cách của nhà tu...Nhưng trong lối thù tiếp mà chồng làm như chưa có vợ, vợ làm như không có chồng, nhà tu làm như chưa thí phát, khấn trọn đời... thì đó là quên nhân cách, thay đổi nhân cách... hay gian dối, hay xạo...Vấn đề chỉ trầm trọng, chỉ thành bệnh, thành điên, thành cà rởn nếu cái quên nhân cách hay cái ý thích thay đổi này trở nên thường trực bức xúc trầm trọng và trở thành khách hàng của thuốc chống đau nhức, thuốc an thần, ma túy, thuốc, rượu...!

Hiện tượng thay đổi nhân cách bằng gian dối, xạo cũng tự nhiên như người ta hắc hơi hay gãi ngứa vậy. Nhàm chán quá, lờn mặt quá nên vứt đi khoát cái mới chút chơi vậy thôi...Không có cơ hội thì chính phủ tạo cơ hội cho như các tôn giáo, các ngày truyền thống, các lễ hội cổ truyền. Nghe nói bên Pháp có ngày Cá tháng Tư nhằm ngày 1 tháng Tư hàn năm ch phép người ta xạo lút cán, dối tới bến! 

Đáng nói là não trạng cũng như sản phẩm thịnh hành của thời đại, nhất là các nhà truyền thông đói tin, Internet và Chat! Chat tràn đìa hình như đang tiếp tay cho cái nết xạo tổ, cái tính gian dối cùng mình này gặp mùa phát triển mạnh khi mà thiên hạ có khuynh hướng xem những người có thành tích khác lạ, lập kỷ lục là anh hùng, bất cứ là hành động gì, bất cứ là khác lạ gì ....Gì cũng được miễn nổi danh, miễn phá kỷ lục thì thôi.

Còn chuyện Chat thì khỏi nói. Chẳng lẽ trong lúc ba hoa chích choè với một người xa lắc xa lơ mà lại đi khai là tôi thiếu thước thiếu tất hay ú na ú nần hay hôi nách, hôi miệng?! Thì cũng đành xạo chút chơi, tưởng tượng ra mà tả mình như Julia Roberts, Paris Hilton hay George Clooney hay Brad Pitt...Tin không tin thì thôi, tin thì ráng chịu!  

Tờ The Independent còn kể rằng hồi tháng 08/2004, sau khi có một chiếc máy bay nhỏ đâm vào một cao ốc ở thành phố Dorset bên Anh, Nigel Gallimore làm nghề lau chùi kính trong cao ốc đó đã nhận là tự mình đích thân ở chui vào máy bay bị nạn lôi phi công và một người nữa ra chỗ an toàn trước khi máy bay nổ cháy. Hành động anh hùng cao cả đó vang động đến tai Nữ hoàng làm bà cảm động tặng thưởng anh thợ lau cửa kính 41 tuổi huy chương Can Trường hoàng gia cao quý. Để rồi mấy tháng sau phải sai cảnh sát thẹ thẹ im lặng thu hồi huy chuơng cao quý đó lại. Sư thể chỉ vì hai người được cứu là có thật và hành động can trường cao cả đó có thật. Nhưng người thực hiện không phải là anh thợ lau chùi cửa kính Gallimore 41 tuổi mà là của Mike Winstanley thợ lắp kính trong cao ốc và già hơn Gallimore đến 11 tuổi!

Chưa hết. Cũng trong thời gian tương tự cảnh sát ở tỉnh Devon đã phạt vạ anh thợ ống nước Philip Bosson 39 tuổi một số tiến đến 20 ngàn đô Úc vì tội làm mất thì giờ vàng ngọc của mấy anh bạn dân khi Bosson khơi khơi khai với cảnh sát là con gái anh bị sóng thần cuốn mất tiêu và nhờ cảnh sát điều tra. Thực tế thì Bosson chẳng hề có con gái và cũng chẳng ai trong gia đình bị sóng thần cuốn cả!

Thêm mắm thêm muối là tính tự nhiên khi có đối thoại liên lạc. Nhất là khi nói về mình. Đó là cái bệnh ủa bất cứ ai, ngay cả những nhà tu hành đạo đức.  Chẳng vậy mà hãng thông tấn AP ngày 15/11/207 đã chạy một bài báo với tựa đề đầy khiều khích chói tai như Tốt lành có thể trở thành gian xảo tồi tệ. N

Nghiên cứu cho thấy ý thức ta đây đạo đức hơn người có thể đưa tới hành động hợp lý hóa tác phong xấu. Nguyên văn: Do-gooders can become the worst cheats. Study: Sense of moral superiority might lead to rationalizing bad behavior.

 

Trang nhà CareerBuilder.com ngày 24/09/2007 còn đang một bài điều tra của Rachel Zupeck về cái bệnh thành tích mỗi khi con người có dịp nói về mình. Rõ ràng nhất là khi viết tiểu sử hay khia lý lịch để xin việc chẳng hạn.

Theo Zupeck trong những dịp đó người ta thường phịa về những điểm lý lịch sau đây: 1- học lực  2 - số bằng cấp 3 – thêm thắt tước vị thành tích, chức vụ tưởng tượng 4 – thêm thắt về tiền lương hay lợi tức của dzốp cũ...

Khi nói về mình người ta thường trở thành họa sĩ tránh màu đen, màu nâu xám, nhưng rất lạm dụng màu hồng màu xanh...Đọc tiểu sử hay hồi ký thì rõ. Ít khi tìm được một hồi ký hay tiểu sử chân thật mà chỉ là nững cách tự biện hộ được ngụy trang thôi. Ngày xưa, Tướng Pétain đầu hàng Đức khi Paris thất thủ và được Đức cho làm quốc trưởng.

Đức thua trận, Paris giải phóng và ông được Tướng De Gaule cho đi tù chung thân thay vì lên máy chém hay ra pháp trường cát như bao nhiêu Pháp... gian khác.

Thấy ông buồn thân già trong tù lạnh có người đề nghị ông viết hồi ký để cho đỡ buồn mà cũng để cho hậu thế thấy rõ công tội của ông khi hợp tác với Đức thì ông trợn mắt: Tao có tội gì mà viết hồi ký!?

Mấy ai nghĩ được như Tướng Pétain khi nói về mình hí?

Huỳnh Bất Hoặc

  



Những Câu Chuyện Cuối Tuần

Trang Hoàng Nguyên Nhuận