CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

NEVER SAY NEVER

Huỳnh Bất Hoặc

đăng ngày 21  tháng 9, 2007
 

Không bao giờ nói-không-bao-giờ [never say never] hình như là cụm từ không có trong sinh hoạt chính trị?

Nhổ rồi lại liếm hay nói đi nói lại hay quân tử đa ngôn... hình như là ngôn ngữ chính trị thông thường?

Nhưng được cái Bất Hoặc tôi lại không dám và không thích làm chính trị mà chỉ thích cà khịa những ai nghĩ mình là chính khách, tự cho mình là chính khách...tài tử!

Bởi không muốn làm chính trị như thế nên Bất Hoặc tôi muốn bắt đầu bằng bài viết này với câu...

Đây là lần chót tôi nói về ông Thủ Tướng John Howard. Từ nay cho đến ngày bầu cử, Bất Hoặc tôi-sẽ-không-bao-giờ nhắc đến ông Howard nữa. Tôi có cảm tưởng John Howard là một xác chết đang chờ một lễ nghi chính trị mai táng!

Bất Hoặc tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc nên delete tên ông trong bộ nhớ của não trạng như cung tay phủi hạt bụi trên mái tóc cho khoẻ. Ông có làm dzua, làm Tổng Thống, cũng kệ ông. Với tôi, ông hết thuốc chữa rồi. Đặc biệt là khi tui nghe chính miệng ông hứa hẹn sẽ từ chức [resign] vào cuối nhiệm kỳ tới.

Chữ resign với ông Howard còn khủng khiếp hơn là chữ hell với một tín đồ thuần thành biết mình đang

sa chước cám dỗ phạm tội trọng. Thế mà lần này ông đành phải tam tứ phen nhắc đến chữ ấy thì đủ biết tình trạng tuyệt vọng với ông như thế nào.

Mấy năm nay thiên hạ có lẽ có người đã ớn tận mang tai cái lập luận của ông giải thích tại sao ông quên lời hứa nhường ngôi cho con gà nuốt dây thun - Phó lãnh tụ đảng ủy dân cử[caucus], kiêm Tổng Trưởng Kinh Tế Peter Costello - biết đâu ông này đã từng phản hết nhóm Peacock, đến nhóm Hewson và đám chính khách Victoria để chạy theo phò ông Howard từ Sydney lên Canberra làm Thủ Tướng?

Người ta có thể băn khoăn tại sao ông Howard đã hứa rồi nuốt lời hứa mà Costello phải ngậm bồ hòn làm ngọt? Phải chăng vì Costello không thể chạy về với đồng bạn cũ nữa? Phải chăng vì trong chính trị, người ta chỉ có thể phản bội một lần? Sớm đầu tối đánh thì chỉ làm thân cò con nhìn thiên hạ ăn bánh và chờ được liếm lá thôi! Phải chăng vì ông Howard đã nắm trọn bằng chứng đi đêm của Costello với mình?

Bắt được cái thóp đó, ông tha hồ đá Costello như trái banh xẹp nhiều bận và lần nào Costello cũng phải gượng cười đóng vai trung thần. Bởi Costello mà lớ xớ là ông tung những bí mật đi đêm giữa ông và Costello ra cho thiên hạ biết thì Costello chết cửa tứ, hết đất sống?   

Giải thích chuyện quên lời hẹn với Costello, ông bảo là khi nào đảng còn cần ông thì ông sẽ hy sinh chịu đau mông bắt cứng bù-lon bàn tọa vào ghế Thủ Tướng và lãnh tụ đảng ủy dân cử để gánh vác sơn hà.

Nói thế khác khi nào đám Costello muốn thế chỗ ông chưa hội đủ số phiếu thì dê kêu! ông cứ ngồi, đứa nào làm chi ông được!!!

Do đó, không hề có chuyện từ chức khơi khơi, tự dưng bỏ ghế Thủ Tướng tiền hô hậu ủng về nhà rửa chén bát, phơi áo quần, tưới cây, rửa ga ra lau xe đưa vợ đi shopping!?

Và ông không chỉ tụng câu thần chú - đảng cần tao, tao ngồi lì!- này một lần mà nhắc đi nhắc lại nhiều lần, làm như thể là đám Peter Costello đều mắc chứng nặng tại, ngoáy mãi không thông!

Hơn nữa, sợ người ta không nghe nên ông còn nhờ bà xã tiếp tay cứu giá.

Báo hại bà phải chẳng đặng đừng dông dài Mao Tôn Cương rằng thì là... Ôi dào! hơi đâu tin thằng chả! Thói thường có hứa hẹn gì nghiêm chỉnh thì người ta phải nhắc đi nhắc lại chứ, còn ông chồng tôi thì nói cho có nói ấy mà, tin ổng thì có ngày bán thóc giống mà ăn!     

Thế đó mà lần này tổ lì John Howard lại tam phen tứ bận nhắc lại là sẽ từ chức, nhất định từ chức...

Ông sẽ từ chức nếu đứa nào ngất ngơ cho ông được làm Dân biểu, nghĩa là làm Thủ Tướng lần nữa.

Ông bèn lặn lội về địa phương mà lâu nay ông phe lờ coi như rơm rác, nên đa số tấp tểnh chạy theo bà Maxine McKew, để cười ruồi năn nỉ họ giúp ông được về hưu với tư cách Thủ Tướng cho le lói thân già một chút. Sau đó ông sẽ từ chức đi làm Đại Sứ Australia ở Anh, sờ lông mày đợi Nữ Hoàng phong cho chức Sir – Sir John Howard - đặng trả công bảo hoàng và phá đám khát vọng Cộng Hòa của dân chúng tới cùng...  

Rằng cuối nhiệm kỳ ông sẽ từ chức nhường quyền cho Costello để mặc Costello gánh lấy của nợ do ông bày ra....

Bởi nói cho cùng, cuộc bầu cử sắp tới không phải là để chọn một chính sách điều hành quốc gia, điều hành kinh tế tài chính mới hay một lãnh tụ quốc gia mới, nhưng là để điều chỉnh một sai lầm cũ kéo dài từ hơn mười năm nay từ khi người ta bỏ phiếu cho liên đảng Tự-Quốc.

Thật vậy, chính sách bảo thủ của nhóm John Howard là một bản sao chính sách bảo thủ của bà Margaret Thatcher ở Anh.

Và bản sao này lại chũng chỉ là bản sao của chính sách supply-side hay Reganomics thường được mệnh danh là kinh tế thị trường của ông TT tài tử Ronald Reagan bên Mỹ. Muốn biết thì xin chịu khó xem thêm Paul Ormerod- The Death of Economics –Faber & Faber London, 1994.

Cơ bản của chính sách supply-side là hạn chế trách nhiệm quốc tế của một cường quốc bằng cách hạn chế ngoại viện, thiết lập hàng rào thuế quan và cấm vận gắt củ kiệu, là một đàng vắt chày ra nước người nghèo, giảm thiểu an sinh xã hội, kềm chế lương bổng, đàng khác thì chi tiêu thả dàn, lạm phát tối đa để đẩy mạnh kỹ nghệ quân sự và quốc phòng như bày ra Star War, hàng rào không gian hỏa tiễn chống hỏa tiễn...và nhất là giảm thuế và trả lại thuế cho người giới chủ nhân.

Tác phong hiếu chiến và lối ăn nói nặng phần trình diễn của Reagan trở thành một viên thuốc an thần giúp người dân Mỹ quên đi hội chứng VN. Nhất là khi Mikhail Gorbachev và tập đoàn lãnh đạo Moscow thừa cơ hội Mỹ đang bái xái quốc tế mà hạ bức màn sắt cồng kềnh tốn kém xuống một cách an lành khỏi sợ Mỹ thừa thắng xông lên!

Tuy nhiên, Reaganomics trước sau rồi cũng đi đến chiến tranh thôi cho nên Reagan xuống, Bush lão trượng lên thay là phải có Iraq War 1.

Bill Clinton là người giúp nước Mỹ rút chân khỏi vụng cát chuồi Iraq và phục hưng nền kinh tế thặng dư không lạm phát của Mỹ.

Nhưng cái thời bình an cho người dưới thế và phục hoạt kinh tế đã bị khựng lại vì Clinton táy máy ham chơi với Monica mở đường cho Bush tiểu tử lên ngôi!   

Trong thập niên 80, cái lối chống Nga cà tững của Reagan và hành động chiến lược khéo léo của Gorbachev đã làm cho một số dân lưu đày tưởng rằng dất nước đã sạch bóng quân thù để ta về... Sàigòn đẹp lắm! Sàigòn ơi! Sàigòn ơi!

Phải đợi sạch bóng quân thù mới về cho chắc ăn chứ không phải về để đánh đuổi quân thù đâu à nghe! .....Vì tránh gian nguy tranh công đầu dễ làm quá cho nên đi đâu cũng nghe hô hào cấm vận, kinh tế thị trường, đối kháng chết bỏ ỏm tỏi cả lên...

Bên Phật giáo thì chư tôn túc khả kính như HT Tâm Châu, HT Hộ Giác, HT Chánh Lạc, HT Thợ Rèn Giác Chỉ đã bỏ kinh kệ định làm Tiêu Sơn tráng sĩ giải trừ pháp nạn tinh tấn dùng thét dùng gậy quại đám quốc doanh tới nơi tới chốn theo nhịp hô của tay tổ kinh tế thị trường con cưng của Đức ông Bí Thư Giáo Hoàng. Cuối cùng chỉ giúp tài liệu cho cho người ruồi gieo máu lửa họ Võ làm đơn xin...phân...Mà thôi!...Nhắc lại chuyện xưa thêm ốt dột, xin miễn cho Bất Hoặc tôi!...    

Bush tiểu tử và đám Tân Bảo Thủ - Neo Cons - đang thừa hưởng mức thặng dư do Clinton ca na cúp núp dành dụm được và trở lại Reaganomics của bố già bằng chiến tranh Afghanistan và Iraq.

Con đường của Bush tiểu tử đang đi là con đường của Bush lão trượng.

Vấn đề là dân Mỹ có muốn tiếp tục thắt lưng buộc bụng, vì giá dầu xăng cao đang kéo theo mọi thứ lên cao như khinh khí cầu và thế giới Tây phương có gan chịu đựng giá dầu thô tăng vọt lên 120 MK một thùng thay vì 80 MK như hiện nay, nên nhắm mắt cho Bush đánh con gà điên Iran không thì có lẽ sang năm 2008 mới biết!   

Lần theo bước chân của bà chị Thatcher và ông anh Bush, chủ trương của đám Howard là giảm thiểu bộ máy công quyền bằng cách chuyển dần quyền lực của bộ máy đó cho tư nhân quản trị, và mặt khác bảo vệ tư doanh bằng cách kềm chế nghiệp đoàn hay trù dập những công đoàn mạnh. Ở Anh là nghiệp đoàn thợ mỏ, ở Australia là nghiệp đoàn bến cảng, cái xương sống của Đảng Lao Động.

Do đó mà Howard đã một mặt thì trù dập khống chế nghiệp đoàn bến cảng Melbourne mạt khác bày ra Luật Lao Động hắc ám chỉ có lợi cho giới chủ.

Ngoài ra, đám Howard đã chằm hăm bán được gì thì bán ngay. Bắt đầu bằng các khu Housing vốn được xây ra cho hạng vô sản đầu đội trời chân đạp đất, rồi đến công ty hàng không quốc doanh Ansett rồi Telstra, rồi Qantas, Howard đóng cửa Ansett nhưng lại cho mở Virgin, Jetstar mà không hề giải thích tại sao ...

Và rồi đây nếu liên đảng Tự-Quốc còn cầm quyền nữa thì biết đâu sẽ đến phiên điện, nước, NRMA, nhà tù, nhà thương? Hễ còn là bán, bán được cứ bán mà!

Trong lúc vô sản hóa công quyền thì Howard lại thực hiện một chính sách mị dân tạo cho dân chúng cái cảm thức hân hoan ta đây được làm chủ bằng cách khuyến khích dân mua nhà và trợ cấp mấy ngàn cho những người mua nhà lần đầu.

Kẻ được trợ cấp mua nhà cứ xuýt xoa cám ơn Howard mà quên rằng với thuế GST 15%, chính phủ đã moi trước bộn bạc khi căn nhà được xây nên có bỏ ra chút đỉnh để trợ cấp thì cũng chẳng mất gì cho nên hè nhau đi mua nhà làm cho giá nhà đắt như tôm tươi. Báo Sunday Telegraph ngày 29/05/2007 phải kêu trời là giá nhà lên cao nhất trong vòng 20 năm nay!

Người mua nhà thì như cá cắn câu, lương mấy cũng làm để lo trả nợ nhà băng và thót ruột chờ lãi xuất tăng, lộn xộn làm reo đòi tăng lương thi có Work Choice trị!  

Hậu quả là vỡ nợ, ngân hàng tịch thu nhà bán phát mại để lấy lại nợ. Theo báo The Sydney Morning Herald ngày 14/09/2007 thì năm vừa qua đã có 30% chủ nợ nhà bị nhà băng xiết nhà bán đổ bán tháo để lấy lại nợ.      

Trời ngó lại cho ông giữ được ghế Dân Biểu đơn vị Bennelong và hứa là dù không được làm Thủ Tướng hét ra lửa nữa ông vẫn nín thở ngồi hàng ghế sau làm Dân Biểu thường cho hết ba năm chứ không từ chức ngang xương để đơn vị này phải đi bầu bổ túc, đã phiền phức mà lại tốn công quỹ! Ông sẽ ngáp ngắn ngáp dài chờ đi làm Đại Sứ thôi, bên cạnh Nữ

Hoàng, dĩ nhiên.

Howard mà phải nói chuyện từ chức, nhường ngôi cho Costello thì phải biết là nội bộ đảng ủy dân cử sôi sục và không thiếu chi người muốn ăn gỏi ông...  

Nhưng đúng là Howard đã bị sập bẫy do chính mình dăng ra. Kẻ dăng bẫy ấy chẳng ai khác hơn là Ngoại Trưởng Downer.

Thật vậy, nhân cơ hội tụ tập ở Sydney về chuyện thù tiếp thượng khách APEC, Howard đã nghĩ ra mưu dựng một cột thu lôi lên để dò xem những sấm sét chống đối từ đâu đến và là những ai.

Downer đã tự nguyện làm cột thu lôi đó khi họp các tay tổ trong đảng và các bộ trưởng quan trọng lại tham khảo ý kiến thỉnh nguyện và hô hào anh hai không có mặt, tha hồ nói, muốn gì cứ lên tiếng, tự do!

Một số tưởng bở mạnh miệng phê bình Howard lút cán và còn dám đòi Howard từ chức trước bầu cử. Dĩ nhiên là Costello có dự họp nhưng không hề có ý kiến!

Vì tương lai của chính mình các Nghị sĩ, Dân biểu không muốn chết chùm với đám Howard cho nên muốn ly khai và trước tiên là không muốn dính líu gì với Howard. Bài học ở London đã dạy họ thế.

Thật vậy, sau hơn cả chục năm ê chề với Đảng Bảo Thủ và chị em bà Thatcher, Đảng Lao Động Anh đã nhờ Tony Blair mà le lói trở lại dưới ánh mặt trời.

Nhưng khi Blair ôm TT Bush quá khít trong cuộc phiêu lưu ở Iraq thì uy danh của Đảng Lao Động đã tuột dốc thê thảm. Đảng buộc lòng phải hất Tony Blair. Khi Blair được đảng mời đi chơi chỗ khác thì uy tín của đảng đang ển ển xìu xìu lại hùng dũng lên ngay như vừa nuốt cả chục viên Viagra!

Đám Nghị sĩ, Dân biểu tự do-quốc gia mấy lâu nay ngậm miệng ăn tiền hơi ngán cơn thịnh nộ của cử tri nên muốn đổ tội hết cho Howard bằng cuộc đảo chính cung đình tạo cơ hội cho Howard hy sinh vì đại nghĩa như Blair.            

Kẻ hăng say nhất ngoài Wilson Tuckey như thường lệ, có lẽ là Malcolm Turnbull, Bộ Truởng Thủy Cục, kẻ được coi như sẽ đại diện Sydney để kế nhiệm Howard sau khi Howard bị mấy chú Ba ở vùng Bennelong vì nhớ cái thù xưa Howard-Hanson nói nặng họ nên lần này quyết cho Howard mất cả chì lẫn chài và lá bài Tony Abbott không còn sáng nước nữa để tính chuyện kế vị lãnh đạo của Howard!

Vấn đề từ chức như ác thần trong chai đã được mở nút chui ra lộng hành công khai chứ không còn là chuyện húy kỵ như lâu nay nữa. Đi đâu cũng nghe nói chuyện xin Howard đừng tiếp tục... hy sinh nữa!

Bởi thấy tình đời đen bạc như thế cho nên Howard đành phải dùng lá bùa từ chức nhường ngôi làm hoãn binh chi kế.

Tất cả hy vọng của Howard là số phiếu của đám bảo thủ đà điểu sân si ngoan cố.

Howard chắc cũng đã nghĩ đến bà Pauline Hanson đang lăm le nhảy ra ghế Thượng viện để hốt trọn những lá phiếu bảo thủ, không thể cho Howard mà cũng không cho Lao Động thường bị chụp mũ là tả khuynh.

Bao nhiêu hy vọng của Howard và đàn em đều đặt vào tấn tuồng chống khủng bố và màn trình diễn an ninh hội nghị APEC với cái đinh là bồ tèo anh Bush thân yêu giúp Howard huyễn mị đám bảo thủ có sạn trong đầu.

Luật chống khủng bố được vội vàng thông qua, bác sĩ Ấn độ Mohamed Haneef và trước đó David Hicks bị quại cho chết lên chết xuống, Sydney biến thành một thành phố chết với 160 triệu tiền thuế của dân, với mấy đội cảnh sát võ trang đên tận chân tóc làm như bin Laden đã mò tới tận ngoại thành...tất cả chỉ để chứng tỏ là John Howard chịu chơi hết mình với TT Bush và TT Bush sẽ nhớ ơn mà nói thêm vào một tiếng. TT Bush thật có nhớ ơn, có nói. Nhưng ông lại nói lịu...

Thật vậy, thay vì cám ơn và quảng cáo cho người em bé bỏng Howard thì TT Bush lại gặp Kevin Rudd để thuyết trình cho Rudd về chủ trương Iraq, nghĩa là gián tiếp năn nỉ Rudd đừng bắt chước Latham là đắc cử thì rút quân về để Mỹ bơi một mình ở Iraq.

Về chính trị, phải chăng việc TT Bush bắt tay lãnh tụ đối lập Kevin Rudd có ý nghĩa như đóng chiếc đinh cuối cùng vào nắp quan tài chính trị của Howard và liên minh Tự-Quốc?

Chưa kể là mặc bao nhiêu xum xoe của Howard, TT Bush vẫn tưởng mình không phải ở bên cạnh chú em Howard trong hội nghị kinh tế ở Australia khi ông nói lịu APEC thành OPEC là tên của tổ hợp sản xuất dầu khí và Australia thành Austria, nước Áo vốn là một nước nhỏ bên Âu châu!

Đúng là dậu đổ bìm leo bao nhiêu công khó đổ sông đổ biển. Thấy uy tín của Thủ Tướng Howard và liên minh tự-quốc sụt thê thảm, Đảng Lao Động đã ngây thơ hết đòi ThT Howard công khai tranh luận lại tuyên bố định ngày bầu cử mà theo luật định thỉ phải thông báo chính thức trước ít ra một tháng.  

Nhưng đòi như vậy thì cũng chẳng khác chi đòi anh cowboy rút súng tự bắn vào chân mình!

Dại gì Howard định ngày bầu cử. Vì theo luật định thì từ khi tuyên bố ngày bầu cử, chính quyền sẽ ở trong thế xử lý thường vụ, nghĩa là không có quyền quyết định tiêu xài ngoài mức quy định của ngân sách đã được Quốc Hội thông qua thành luật. Trong khi đó Howard lại muốn tung tiền ra để mua chuộc cử tri. Chưa kể là quyền xài hàng tỷ đô la để quảng cáo nước rút.

Cho nên, dại gì Howard định ngày bầu cử! Với lại để cho đám Lao Động trẻ người non dạ lăng xăng há miệng chờ ho thì cũng vui chứ có mất chi!?

Bản lai diện mục của Thủ Tướng Howard gồ ghề như vậy đó.

Ai làm gì được ông hí?

Huỳnh Bất Hoặc          


 


Những Câu Chuyện Cuối Tuần

Trang Hoàng Nguyên Nhuận