Vài Ý Kiến về

THƯ TRAO ĐỔI VỀ MỘT THỜI KỲ LỊCH SỬ, 1930 – 1975

 Trần Chung Ngọc

Gửi bài này cho bạn bè 22 tháng 12, 2007

 

Tôi vừa thấy trên trang nhà Sách Hiếm đăng lại những THƯ TRAO ĐỔI VỀ MỘT THỜI KỲ LỊCH SỬ, 1930 – 1975 giữa Nguyễn Mạnh Quang & Trần Xuân An. Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang đã trả lời rất rõ ràng từng điểm một về những thắc mắc của ông Trần Xuân An cho nên tôi thấy không cần phải thêm điều gì nữa. Thật ra thì khi đọc những thắc mắc của ông Trần Xuân An mà ông ấy muốn chúng tôi lý giải, thí dụ như:

"Thật tâm tôi muốn được đọc trên web Giao Điểm những bài viết của ông, của ông TCN, về đề tài lí giải nguyên nhân nào khiến ông và một bộ phận người Việt rất lớn không tham gia Việt Minh, Việt Cộng (Cộng sản VN).

Vấn nạn là: Nguyên nhân nào một bộ phận không nhỏ nhân dân cả nước (1930 – 1954) và khá lớn nhân dân Miền Nam sau này (1954 – 1975) không theo Việt Minh, Việt Cộng; thậm chí sau Ngày Thống nhất 30-04-1975, không những dân Miền Nam mà cả dân Miền Bắc, trong đó có đến 2 triệu người cũng di tản, vượt biên hoặc ra đi theo các diện hợp pháp?"

Tôi nghĩ câu hỏi này được đặt ra một cách thiếu nền tảng, hoặc dựa trên sự một sự hiểu biết khá giới hạn.

Thật vậy, thứ nhất, nếu một bộ phận người Việt rất lớn không tham gia Việt Minh, Việt Cộng (Cộng sản VN) thì Việt Minh không thể lãnh đạo quần chúng để đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thứ nhì, câu hỏi Nguyên nhân nào một bộ phận không nhỏ nhân dân cả nước (1930 – 1954) và khá lớn nhân dân Miền Nam sau này (1954 – 1975) không theo Việt Minh, Việt Cộng; thậm chí sau Ngày Thống nhất 30-04-1975, không những dân Miền Nam mà cả dân Miền Bắc, trong đó có đến 2 triệu người cũng di tản, vượt biên hoặc ra đi theo các diện hợp pháp? là dựa trên những hiểu biết hạn hẹp về tình hình chính trị Việt Nam trước và sau 1975. Từ 1930 đến 1945 Việt Minh là một đảng chống Pháp và Nhật, và trong giai đoạn này không thể hoạt động công khai cho nên chỉ có một số thuộc thành phần nòng cốt tham gia mặt trận Việt Minh. Nhân dân cả nước rất ít biết đến mặt trận này cho nên làm sao mà theo Việt Minh? Việt Cộng là từ được phát minh ra sau này trong cuộc chiến Mỹ-Việt cho nên gọi Việt Minh là Việt Cộng là thiếu hiểu biết.

Trong giai đoạn 1954-1975, nếu người dân không ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì làm sao với ưu thế quân sự tuyệt đối mà cuối cùng Mỹ và miền Nam lại thua? Sau ngày Thống Nhất dân số Việt Nam là bao nhiêu và tỷ lệ 2 triệu người trên tổng số dân số là bao nhiêu. Ông Trần Xuân An đã quên rằng cuộc chiến ở Nam Việt Nam, do ngoại quốc can thiệp tạo nên, đã kéo dài trong bao nhiêu năm và đã gây nên sự thù hận giữa Nam và Bắc như thế nào? Ông cũng quên luôn những người di tản, trong đó có tôi, vượt biên hay theo các diện hợp pháp thuộc thành phần nào? Tôi không nghĩ rằng các "boat people" là những người thuộc loại "có nợ máu" đối với chính quyền Cộng sản mà phần lớn vượt biên vì lý do kinh tế. Lẽ dĩ nhiên cũng có một số người vượt biên vì lý do chính trị nhưng số này không phải là nhiều.

Cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm, cả hai miền đều kiệt quệ sau cuộc chiến. Miền Nam sống nhờ viện trợ Mỹ. Miền Bắc dồn tất cả cho chiến tranh. Sau 1975, tình trạng kinh tế xã hội khó khăn là điều không thể tránh. Việt Nam không có câu đũa thần nhưng cũng đã vượt qua. Sống trong tình trạng hậu chiến đói khổ chung cho cả nước, người thắng cũng như kẻ thua, người thua ở miền Nam nhiều khi còn thoải mái hơn người thắng, và những thông tin, hình ảnh của người Việt di cư đi trước gửi về với nhiều tính cách khoa trương, tất cả đã tạo nên một làn sóng vượt biên vô tiền khoáng hậu. Tôi là lớp người di cư đầu tiên năm 1975, và sau đó tôi đã có dịp tiếp xúc với một số "boat people" mà tôi cùng một số bạn ở Madison, Wisconsin đã tổ chức bảo trợ và đón tiếp. Tôi thấy họ không có một ý thức gì về chính trị và thuộc thành phần nếu có ở lại cũng chẳng ai buồn đụng đến họ.

Vì không nắm vững lịch sử cho nên những thắc mắc nêu trên thiếu căn cứ, không phải là một vấn đề thực sự, và cũng không ai lý giải một vấn đề không có thực.

 

Trần Chung Ngọc

22 Dec 2007

 

Trang Đối Thoại